Mấy vấn đề cán bộ, công chức, viên chức cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. ...

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Nếu không nhận diện đầy đủ bản chất của hiện tượng này thì không thể có “thuốc” chữa kịp thời và đồng nghĩa với tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội cũng vậy. Người sử dụng có trách nhiệm sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực cho nhiều chủ thể, đầu tiên là chính bản thân mình, sau đó là những người xung quanh cũng như với các tổ chức, cá nhân, ở tầm cao là với Đảng, Nhà nước khi đó sẽ góp phần hạn chế xảy ra các vấn đề vi phạm pháp luật, tạo nên môi trường mạng lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, không phải ai sử dụng mạng xã hội cũng ý thức được vấn đề này, bởi việc sử dụng mạng xã hội ngày càng “hời hợt”, việc nhìn thấy cái đúng bị xâm phạm không hẳn họ sẽ bảo vệ, thấy sai không phải lúc nào cũng đấu tranh, bài trừ; những giá trị tốt đẹp không được tuyên truyền, chia sẽ mà bị lấn át bởi những thông tin xấu độc, câu like, giật gân… Điều này nếu không kịp uốn nắn, chấn chỉnh sẽ gây ra những hệ lụy khó lường bởi không gian mạng tuy được coi mà “môi trường ảo” nhưng những tác động của nó thì lại rất thật và có thể liên quan đến nhiều người, nhiều chủ thể, trong một thời gian dài.
Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội ngoài việc chấp hành nội quy của cơ quan, tổ chức trong cung cấp thông tin lên mạng xã hội tại Điều 5, còn phải chấp hành nghiêm các quy định tại Điều 4 như: “…Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh”. Những quy định cụ thể của Bộ quy tắc tạo điều kiện cho người dùng mạng xã hội nói chung, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự điều chỉnh, tiết chế hành vi của mình không chỉ phù hợp với văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước mà còn phù hợp với chuẩn đạo đức xã hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục những giá trị tốt đẹp về con người Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, việc sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước không chỉ bảo vệ mình còn là góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi hiện nay, một số phần tử xấu sử dụng không gian mạng để chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu nhiều người sử dụng không gian mạng không tin theo, không phát tán, không tùy tiện chia sẻ và thực hiện việc đấu tranh phản bác trong điều kiện của mình thì các thông tin xấu độc không còn môi trường để tồn tại, âm mưu của các phần tử đó sẽ bị phá sản. Mặt khác, khi mỗi người chủ động làm lan tỏa các thông tin tích cực, các tấm gương sáng, các câu chuyện đẹp… thì sẽ góp phần định hướng nhận thức và tư tưởng người đọc, tác động đến tình cảm và hành động của nhiều người khác, đồng thời làm loãng các thông tin tiêu cực đi, qua đó giúp môi trường mạng trong lành hơn, tích cực hơn. Đó cũng chính là cách để thể hiện yếu tố văn hóa, văn minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi tham gia mạng xã hội. Tức là, tính trách nhiệm để bảo đảm rằng mỗi người làm việc trong cơ quan Nhà nước thể hiện đúng cương vị, vai trò của mình dù ở môi trường hay bối cảnh nào và tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát, đánh giá hành vi của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước.
Trở lại vấn đề, ở một góc độ nào đó nguyên nhân của việc thấy đúng không bảo vệ thấy sai không đấu tranh khi dùng mạng xã hội có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như: chưa nhận thức được vai trò và ý nghĩa của mạng xã trong xây dựng môi trường mạng trong sạch lành mạnh, đấu tranh với những thông tin xấu độc, những hành vi vi phạm pháp luật cũng như lan truyền, chia sẽ những thông tin tích cực; tâm lý hiếu kỳ, thích tạo được sự chú ý, “like” và chia sẽ những thông tin “giật gân” trong khi chưa biết được tính xác thực và độ tin cậy của thông tin; một bộ phận có tâm lý ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, “chuyện ai nấy lo”, “đèn nhà ai nấy rạng”; một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước... Suy cho cùng, hiện tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” thực chất chỉ là một biểu hiện tâm lý dễ lây lan và không phải là bản tính cố hữu. Nhưng để “có trách nhiệm” khi dùng mạng xã hội trước hết mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội cần:
(1) Có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của thông tin.
(2) Khi đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm nhất là với các vụ việc đang “nóng”, cần tránh tạo tâm lý kích động hoặc dẫn dắt dư luận một cách sai lệch, khi cần có ý kiến thì phải hợp lý, thể hiện bằng văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc về thái độ, tư cách của người cán bộ, đảng viên nói chung.
(3) Tuyên truyền, động viên để mọi người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi sử dụng mạng xã hội. Với các cơ quan có quy chuẩn thì nên khuyến khích mọi người thực hiện theo quy chuẩn đó; hoặc gợi ý mọi người những cách thức sử dụng đúng pháp luật, văn minh, tiến bộ, hợp lý bằng các hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện.
(4) Trên trang mạng internet và mạng xã hội của mình, mỗi người nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau…
(5) Chủ động phản ánh với các cơ quan có chức năng khi phát hiện, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác những trang, những thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực…
(6) Luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin… trên mạng mạng xã hội; không đưa thông tin một cách lập lờ để dẫn dắt dư luận nhằm mục đích công kích cá nhân hoặc tổ chức với dụng ý không tốt…
(7) Tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị,… làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các câu chuyện có giá trị nhân văn trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng.
Tóm lại, việc sử dụng mạng xã hội có nhiều ý nghĩa thực tiễn cho cá nhân, tổ chức, xã hội, đất nước, dân tộc… Do đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước phải quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật khi sử dụng mạng xã hội không chỉ giúp việc sử dụng có ích và hiệu quả hơn cho bản thân mà còn lan tỏa đến với nhiều người khác, đem lại nhiều điều thiết thực cho đơn vị, địa phương, xã hội và đất nước.
Quang Minh - sưu tầm, tổng hợp

Related

nổi bật 1 3441880558372350364

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item