Khí phách anh hùng còn mãi lưu danh
Vừa qua nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày hy sinh của anh hùng Nguyễn Trung Trực (12/9 âm lịch), tỉnh Long An đã tổ chức long trọng lễ dâng hư...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/09/khi-phach-anh-hung-con-mai-luu-danh.html
Vừa qua nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày hy sinh của anh hùng Nguyễn Trung Trực (12/9 âm lịch), tỉnh Long An đã tổ chức long trọng lễ dâng hương anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào chiều 06/10 tại khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ. Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyên Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, Thị Trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, khi chiến tranh Tây Sơn nổ ra, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo chạy giặc vào Nam định cư tại thôn Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, Phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Xuất thân là dân chài, giỏi võ nghệ, can đảm, có lòng yêu nước, Nguyễn Trung Trực sớm trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XIX, lo sợ trước phong trào kháng chiến ngày càng mở rộng, mạnh mẽ của nhân dân Nam Kỳ, quân Pháp đã phải điều động một tàu chiến mang tên Hy Vọng (L’ Esperance) chạy dọc sông án ngữ ở Vàm Nhựt Tảo. Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực đã xây dựng một kế hoạch táo bạo để đánh tàu. Vào khoảng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng quyền sung Phó Quản binh đạo Huỳnh Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, quản toán Nguyễn Học, và hương thôn Hồ Quang Chiêu...tổ chức đám cưới giả phục kích đốt cháy chiến hạm L'Espérance.
Sau lần đốt được tàu L’Espérance của Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực không rời 3 tỉnh miền Đông, phối hợp với lãnh binh Trương Định đánh giặc Pháp. Sau khi Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định hy sinh, triều đình hối thúc rời 3 tỉnh miền Đông nên Nguyễn Trung Trực đem quân về miền Tây lập căn cứ nhiều nơi chống Pháp. Đầu năm 1867, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì tòa thành này đã bị quân Pháp chiếm đóng. Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở Sân chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) để chống Pháp. Năm 1868, Pháp phản công, Nguyễn Trung Trực phải lui quân về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn để thực hiện chiến dịch đánh Pháp lâu dài, trong thời gian này nghĩa quân đã gây cho quân Pháp nhiều tổn thẩn và bao nỗi khiếp sợ. Sau một trận chiến không cân sức tại Phú Quốc, quân Pháp uy hiếp sẽ bắt mẹ ông và nhân dân làm con tin nếu ông không qui hàng. Để cứu dân, cứu mẹ, ông ra mặt cho địch bắt. Không chiêu dụ được ông, chúng xử tử ông vào ngày 27/10/1868 (12/9 âm lịch). Trước khi hy sinh, ông còn khẳng khái nhắc lại: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” câu nói này đã trở thành bất hủ và lưu truyền mãi đến ngày hôm nay.
Sau khi hy sinh, người dân cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay. Ngày nay, tại một số nơi trên cả nước để tưởng nhớ, tri ân công lao của vị anh hùng Nguyên Trung Trực đã sử dụng tên của ông để đặt tên Trường học, đường giao thông và hằng năm tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, Bình Đình đều tổ chức lễ giỗ theo các nghi lễ truyền thống, nhằm tri ân công lao to lớn của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống yêu nước của cha ông, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
N.H