Sự cần thiết ban hành luật tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là lực lượng đông đảo của toàn dân; nòng cốt của lực lượng này là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công a...

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là lực lượng đông đảo của toàn dân; nòng cốt của lực lượng này là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có quá trình hình thành và phát triển trải dài qua các thời kỳ cách mạng, là tai mắt, là cánh tay nối dài của Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở, tham gia bảo vệ ANTT, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về ANTT ở cơ sở; làm nòng cốt trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
Do đó, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các lực lượng, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT trong xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, rất cần thiết phải xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thống nhất trong toàn quốc và cần thiết có luật điều chỉnh để đảm bảo hành lang pháp lý và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Tại Hội thảo khoa học trực tuyến do Bộ Công an tổ chức ngày 14/3/2022, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh Luật góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện Quy chế và pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân, ổn định và phát triển cộng đồng vừa góp phần xây dựng Công an nhân dân từ cơ sở đến toàn quốc tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Trước khi dự thảo luật chính thức được ban hành và có hiệu lực, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tổ chức nhiều hội thảo để thảo luận khẳng định, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan. Những cơ sở khoa học đã được khẳng định:
Một là, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là sự cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Đây là quan điểm chỉ đạo thể hiện tại một số văn bản như: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó CAND là lực lượng nòng cốt, bảo vệ ANTT từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Do đó, khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Công an đã chú trọng thực hiện nghiêm túc việc xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan chức năng trước khi hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
Hai là, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất. Qua đó tạo hành lang pháp lý, xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng này thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc bất cập, nhất là về chính sách, pháp luật. Các quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các quy định về thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị chồng lấn giữa các lực lượng. Ngoài ra, các quy định về chế độ, chính sách; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang, thiết bị hoạt động của các lực lượng này còn thiếu, chưa thống nhất... Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, duy trì, củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, làm giảm hiệu quả hoạt động.
Ba là, thực tiễn hiện nay, cùng với lực lượng CAND, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ ANTT của các lực lượng: Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng. Các lực lượng này được gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là lực lượng quần chúng do Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động, hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cấp xã. Mặc dù vậy, hiện nay mỗi nơi từ tên gọi cũng không thống nhất, đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác nhau, không rõ ràng. Từ đó có những vụ việc dẫn đến tình trạng lạm quyền, không làm hết trách nhiệm, rất khó trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện, đòi hỏi phải được chuẩn hóa, đưa vào luật.
Bốn là, quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc” là nguyên tắc cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo luật và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT không làm tăng biên chế, tăng ngân sách nhà nước. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cánh tay nối dài, sâu sát với nhân dân, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ lực lượng nòng cốt là Công an chính quy trong việc đảm bảo ANTT tại cơ sở, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Năm là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT tại đại bàn cơ sở. Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác đảm bảo ANTT đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động quần chúng tham gia bảo vệ ANTT, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để gải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến ANTT và giữ vững ANTT ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết.
Sáu là, thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy tích cực, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT địa bàn dân cư, sát dân, hiểu, nắm được tâm, tư nguyện vọng nhân dân, góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do ở tại cơ sở nên họ là lực lượng tiếp cận đầu tiên. Điển hình như trong đại dịch COVID - 19, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả, là lực lượng tuyến đầu cùng với lực lượng nòng cốt là Y tế, Công an, Quân đội… thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, hỗ trợ đắc lực người dân phòng, chống dịch bệnh.
Rõ ràng, với mục tiêu, ý nghĩa như trên, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Việc thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm chỉnh lý, bổ sung những vấn đề mới; thảo luận, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự luật là vấn đề bình thường khi xây dựng các dự án văn bản quy phạm pháp luật./.
Minh Anh - Tổng hợp

Related

nổi bật 1 7267418268430792302

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item