Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội
Thủ đoạn 1: Hack tài khoản mạng xã hội để lừa tiền. Thời gian qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… đã bị kẻ gian chiếm ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/04/canh-giac-thu-oan-lua-ao-chiem-oat-tai.html
Thủ đoạn 1: Hack tài khoản mạng xã hội để lừa tiền.
Thời gian qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… đã bị kẻ gian chiếm quyền sử dụng (hack). Sau khi chiếm được quyền sử dụng tài khoản cá nhân, kẻ xấu sẽ đọc các tin nhắn và nhắm đến những người thân thiết, thường xuyên nhắn tin, trao đổi công việc…, từ đó mạo danh, gửi tin nhắn để lừa đảo như: cần nạp card điện thoại hoặc cần xử lý một công việc, muốn mượn nóng một khoản tiền. Với số tiền nhỏ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, những người bạn thân của mình rất có thể sẽ không nghi ngờ. Đây là thủ đoạn khá tinh vi của kẻ xấu mà người dân cần nâng cao cảnh giác.
Thủ đoạn hack tài khoản mạng xã hội để lừa tiền của các đối tượng không phải mới, nhưng một số người mất cảnh giác vẫn sẽ bị lừa. Hiện nay, một số đối tượng còn sử dụng Zalo để giăng bẫy, lừa tiền. Tìm hiểu được biết, thủ đoạn của kẻ xấu khi sử dụng mạng xã hội Zalo thường là dùng ảnh đại diện giống với hình ảnh thật của một ai đó, rồi chủ động kết bạn với những người cài đặt ứng dụng Zalo, sau đó nhắn tin mượn tiền và chiếm đoạt.
Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo đã không chú trọng trong việc bảo mật tài khoản của chính mình. Vì thế, kẻ xấu rất dễ thực hiện các hành vi chiếm quyền sử dụng để thực hiện lừa đảo. Để phòng ngừa tài khoản cá nhân bị hack, với tài khoản Facebook, người dân cần thực hiện cài đặt mật khẩu bao gồm cả ký tự số và chữ thường, chữ hoa xen lẫn, đồng thời xác thực đăng nhập bằng số điện thoại (bảo mật 2 lớp). Đối với tài khoản Zalo, người dân cũng cần áp dụng chế độ cài đặt mật khẩu bao gồm cả chữ thường, chữ hoa và ký tự số. Cùng với đó, người dân sau khi nhận được tin nhắn mượn tiền của bất kỳ người thân nào trong danh sách bạn bè trên nền tảng mạng xã hội thì cần gọi điện xác thực thông tin để tránh bị lừa.
Thủ đoạn 2: “Bạn muốn hẹn hò”.
Lợi dụng nhu cầu kết bạn, hẹn hò online trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều phương thức để chiếm đoạt tài sản những người nhẹ dạ cả tin, đam mê sắc đẹp. Với thủ đoạn này, các đối tượng sẽ tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản hẹn hò ảo trên các ứng dụng hẹn hò, tìm kiếm người yêu trực tuyến, như: Facebook Hẹn hò, Tinder, Badoo...
Để thu hút nạn nhân, chúng có thể sử dụng trái phép các hình ảnh của những người dùng mạng khác (nam/nữ) có vẻ ngoài thu hút, thông qua phần giới thiệu tự nhận là người đang có nhu cầu hẹn hò, lối sống hiện đại và lồng ghép cách thức liên lạc, số điện thoại kết bạn Zalo... Các đối tượng có thể chủ động đi "thả thính" người dùng khác để tìm kiếm nạn nhân.
Khi nạn nhân “cắn câu”, liên lạc để trò truyện với tài khoản ảo của các đối tượng, chúng sẽ bắt đầu dẫn dắt nạn nhân, tạo lòng tin, mối quan hệ tình cảm để tiến tới lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi biết được tâm lý muốn lấy lòng người đẹp, chúng sẽ dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền để tham gia các dự án đầu tư tài chính “ảo”, mua hàng đa cấp, vay mượn tiền... để chiếm đoạt số tiền nạn nhân đã gửi. Ngoài ra, chúng còn dẫn dụ nạn nhân tham gia các cuộc gọi video call “nhạy cảm”, đồi trụy với các clip phát lại để thu thập hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân. Sau đó, chúng gây áp lực công bố các nội dung đó công khai lên mạng xã hội, gửi cho người thân, bạn bè nạn nhân rồi ép buộc nạn nhân chuyển tiền nhiều lần để chiếm đoạt…
Để phòng ngừa các thủ đoạn này, người dân tuyệt đối không nhẹ dạ, cả tin theo yêu cầu chuyển tiền của các đối tượng, cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, không tham gia các hoạt động mang tính chất đồi trụy trên không gian mạng.
Thủ đoạn 3: Chiếm đoạt tài sản thông qua việc “cấp dấu tick xanh” trên tài khoản Facebook.
Khi nhu cầu sử dụng mạng xã hội tăng cao, rất nhiều người mong muốn có được dấu tick xanh Facebook để thể hiện bản thân hoặc thương hiệu của mình có ảnh hưởng tới cộng đồng. Chính điều này đã bị các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng. Những nghệ sĩ, người nổi tiếng, người kinh doanh chính là những trường hợp thường bị các đối tượng lừa đảo đưa vào tầm ngắm.
Thủ đoạn của những đối tượng này là thường chủ động làm quen, nhắn tin chào mời để quảng cáo dịch vụ, rồi hứa hẹn giúp lên tick xanh, tăng tương tác cho tài khoản facebook của nạn nhân. Sau khi nhận tiền phí dịch vụ, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền và không thực hiện như thỏa thuận. Trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo còn chiếm luôn quyền truy cập các tài khoản facebook và đòi tiền chuộc.
Cơ chức năng cũng đưa ra khuyến cáo, tick xanh cho tài khoản mạng xã hội đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Trên thực tế, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ Facebook mới có chức năng thẩm định, kiểm duyệt và cấp tick xanh khi đủ điều kiện. Do vậy, lừa đảo xin tick xanh cho Facebook là một trong những thủ đoạn mới mà những người sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác.
Lan Anh - Tổng hợp