Cần cảnh giác trước hiện tượng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng Internet
Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter,…. xuất hiện tràn lan và dày đặc các video clip quảng cáo thực...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/06/can-canh-giac-truoc-hien-tuong-quang.html
Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter,…. xuất hiện tràn lan và dày đặc các video clip quảng cáo thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, các loại mỹ phẩm,… được phóng đại và thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, quảng cáo không đúng về chất lượng của sản phẩm, quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép. Gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng. Đáng chú ý, có tình trạng các đối tượng sử dụng phương thức mạo danh cơ quan báo chí để tăng niềm tin và độ tin cậy với người sử dụng, phần lớn các clip quảng cáo trên mạng xã hội đều có gắn logo, cắt ghép video có lời dẫn của MC Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Quân đội nhân dân và một số Đài phát thanh, truyền hình của địa phương. Ngoài ra, nhiều clip quảng cáo còn lấy hình ảnh một số bác sỹ đang công tác trong ngành y tế, mời diễn viên, ca sỹ, người nổi tiếng,… để quảng cáo thực phẩm chức năng, các sản phẩm làm đẹp bị thổi phồng quá mức về công dụng, thậm chí còn quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm dinh dưỡng không có tác dụng chữa bệnh và thay thế thuốc chữa bệnh, có tác dụng hồi phục sức khỏe, tăng sức đề kháng và hệ miễn dich của cơ thể. Việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe đúng đắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng như người tiêu dùng tránh bị các sản phẩm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép của Bộ Y tế gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như mất tiền một cách vô ích. Mặc khác có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo không rõ nguồn gốc trên cần lưu ý một số vấn đề:
- Người tiêu dùng cần tỉnh tảo, hiểu và tuyệt đối không tin dùng vào các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp,… được quảng cáo không có nguồn gốc, không đúng với nội dung đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận, chưa được cấp phép của Bộ Y tế.
- Khi phát hiện các sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu như: sử dụng hình ảnh cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thật chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; dùng thư mời, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng,… thì tuyệt đối không tin dùng, đồng thời tố giác các hành vi lợi dụng mạng internet quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc vi phạm các quy định của pháp luật đến các cơ quan chức năng.
- Đối với các văn nghệ sỹ, diễn viên, ca sỹ, người nổi tiếng,…khi tham gia hoạt động quảng cáo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, không tham gia quảng cáo nếu nội dung quảng cáo sai lệnh, không đúng với chất lượng sản phẩm: các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm ngoại nhập, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh không đúng với chất lượng sản phẩm… gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
- Các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo cần phải kiểm duyệt nội dung quảng cáo theo đúng nội dung của cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt khi tham gia phát hành quảng cáo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,…
- Cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng.
- Có biện pháp phát hiện kịp thời đối với các video clip, hình ảnh quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,… không rõ nguồn gốc, phóng đại công dụng, sai sự thật… trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube. Đồng thời, xử lý thật nghiêm, thật nặng theo quy định của pháp luật, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động chân chính trên lĩnh vực này.
T.H (tổng hợp).