Vai trò của phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở nước ta
Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyế...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/04/vai-tro-cua-phat-trien-nong-nghiep-kinh.html
Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu rõ đường lối phát triển toàn diện, cụ thể về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó, xây dựng Nông thôn mới là quá trình xây dựng nông thôn: “có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.
Như vậy, xây dựng nông thôn mới là quá trình tạo ra những giá trị mới về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa ở các vùng nông thôn và đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Ở nước ta, quá trình xây dựng nông thôn mới được thể hiện rõ qua quá trình xây dựng, phát triển nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đạt được các tiêu chí đặt ra trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 318-QĐ/TTg, ngày 08/3/2022 về Ban hành Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới đã góp phần quan trọng lượng hóa các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên cả nước, thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Từ đó thấy được vai trò của phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở nước ta:
Thứ nhất: Phát triển nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Ở hầu hết các nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Việc mở rộng dân số ở các khu đô thị và các khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ khiến nhu cầu lương thực từ các khu vực này ngày càng tăng. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp tác động đến nguồn cung lương thực có nguy cơ bị thu hẹp theo.Tình trạng thiên tai, dịch bệnh những năm gần đây rất phức tạp và khó dự đoán trước, càng tác động mạnh đến nguồn cung lương thực ở các quốc gia trên thế giới. Nếu để tình trạng mất cân đối giữa cầu và cung về lương thực sẽ tác động lớn đến giá cả thị trường, gây sức ép lên tiền lương và những ảnh hưởng dây chuyền khác như tác động bất lợi đến đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Trong tình hình hiện nay, phát triển nông nghiệp, nhất là tăng năng suất lao động và giá trị sản phẩm nông nghiệp, là giải pháp hữu hiệu để vừa đáp ứng nhu cầu lương thực của xã hội, vừa đảm bảo phát triển kinh tế nói chung.
Thứ hai: Phát triển nông nghiệp sẽ có tác động lan tỏa ra phát triển kinh tế nông thôn nói chung. Phát triển nông nghiệp là một trong những phương pháp để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tạo ra những lợi ích gián tiếp để kích thích phát triển cả nền kinh tế nông thôn rộng lớn. Thu nhập tăng thêm từ sản xuất nông nghiệp sẽ là nguồn lực mạnh để tái đầu tư trở lại tại các vùng nông thôn ở các loại hình phi nông nghiệp khác, đồng thời cũng tạo nguồn cầu có khả năng thanh toán, kích thích thị trường hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn phát triển. Do vậy, sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba: Xây dựng nông thôn mới góp phần cải thiện tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân tại khu vực nông thôn Việt Nam. Xây dựng nông thôn mới sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, hình thành nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, hình thành và phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khi nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp sẽ được cải thiện và có điều kiện để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tăng cường các liên kết trong sản xuất nông nghiệp: giữa những người nông dân với nhau, giữa nông dân với doanh nghiệp, và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp; là tiền đề để các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới được xây dựng và phát triển.
Thứ tư: Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải triển khai và quy hoạch cụ thể, đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn đáp ứng với yêu cầu mới trong sản xuất nông nghiệp, nhờ đó góp phần quan trọng nâng cao trình độ và chất lượng của lao động khu vực nông thôn để thích ứng với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Thứ năm: Xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, nhằm ổn định chính trị ở khu vực nông thôn. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp mà thu nhập của bà con nông dân cũng tăng theo, nhiều công ăn việc làm được tạo ra tại các khu vực nông thôn góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho bà con. Đồng thời với việc nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng cao. Các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nhằm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được khuyến khích phát triển, việc tuyên truyền và nâng cao hiểu biết của người dân đối với các vấn đề về kinh tế-chính trị-xã hội và bảo vệ môi trường cũng được chú trọng thực hiện. Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới thúc đẩy việc nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách của cán bộ cấp cơ sở; đảm bảo trật tự và an toàn xã hội, đặc biệt là những vùng nông thôn có vị trí địa lý quan trọng như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Thứ sáu: Xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng và đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn. Để đạt được các tiêu chí của nông thôn mới, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn cần phải được đầu tư và xây dựng đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn và đường nội đồng cũng như hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cần được cải tạo, cứng hóa. Đồng thời các công trình công cộng phục vụ đời sống của người dân nông thôn như trạm xá, trường học, các điểm cung cấp nước sạch, hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống xử lý rác thải đều phải được cải tạo để đáp ứng các tiêu chí đặt ra trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. chính vì vậy, đạt được danh hiệu nông thôn mới đồng nghĩa với việc xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ tốt hơn hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông thôn.
Cúc Tử