CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ DẪN DẮT NGƯỜI DÙNG VÀO BẪY LỪA ĐẢO
Thời gian qua, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự cảnh báo đến người dùng Việt Nam về chiêu trò lừa đảo trực ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/08/canh-giac-voi-chieu-tro-dan-dat-nguoi.html
Thời gian qua, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự cảnh báo đến người dùng Việt Nam về chiêu trò lừa đảo trực tuyến mới không chỉ riêng Việt Nam mà có quy mô toàn cầu qua hộp thư điện tử Email, hình thức lừa đảo phổ biến mà người dùng internet hiện nay đã mắc phải mà chúng ta cần hết sức cảnh giác đó là:
1. LỪA ĐẢO CÀI PHẦN MỀM DỊCH VỤ CÔNG GIẢ MẠO
Đây là hình thức lừa đảo không phải mới nhưng vẫn có nhiều người dân bị dính “bẫy lừa” cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, tạo cơ hội để đối tượng chiếm điều khiển điện thoại và từ đó lấy cắp tài sản.
2. LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN MỚI QUA EMAIL
Là một chiến dịch lừa đảo quy mô toàn cầu đang diễn ra, bắt đầu từ email lừa đảo với chủ đề “tiền lương” để lừa người nhận mở tài liệu Microsoft Word đính kèm. Khi được mở sẽ yêu cầu nạn nhân nhập mật khẩu được cung cấp trong email và cho phép chỉnh sửa, sau đó nhấp đúp vào biểu tượng máy in trong tài liệu để xem biểu đồ lương. Từ đó, đối tượng tấn công và chiếm đoạt tài sản trên thiết bị nạn nhân.
3.LỪA ĐẢO TIỀN ĐIỆN TỬ, TIỀN ẢO
Các đối tượng lừa đảo tạo phần mềm, ứng dụng giả mạo các sàn giao dịch, ví điện tử hoặc gọi điện, nhắn tin cung cấp các đường liên kết (link) truy cập để tải phần mềm, ứng dụng về thiết bị của người dùng để kêu gọi tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận. Sau khi người dùng đầu tư và có lợi nhuận. Nếu nhà đầu có nhu cầu rút tiền lợi nhuận, các đối tượng lừa đảo đưa ra các yêu cầu nhà đầu tư phải đóng các loại phí do đối tượng hướng dẫn để rút được tiền.
4. LỪA ĐẢO ĐỌC SÁCH NHẬN LƯƠNG
“Đọc sách mỗi ngày để nhận lương” đây là hình thức lừa đảo trực tuyến nổi bật thời gian qua, là một hình thức “thực hiện nhiệm vụ”, “nhận thưởng”. Giả mạo một số đơn vị phát hành sách lớn nhằm mục đích lừa đảo thông qua quảng cáo tuyển dụng. Các đối tượng đã đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội, nạn nhân sẽ bị đối tượng lừa đảo thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện nhiệm vụ “đọc sách mỗi ngày để nhận lương”. Để được nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản. Khi số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử, sau khi người dùng nạp thêm tiền thì chúng sẽ xoá toàn bộ tài khoản liên hệ.
5. LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN KHI “ĐĂNG KÝ KHÓA TU MÙA HÈ”
Một chiêu thức lừa đảo khác cũng được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cảnh báo là việc phụ huynh bị chiếm đoạt tiền khi đăng ký tham gia các khóa tu mùa hè cho con trên mạng xã hội. Đánh vào tâm lý của phụ huynh, khoảng thời gian năm học sắp kết thúc cũng là lúc nhiều phụ huynh đi tìm các khóa học hè cho con. Những năm gần đây, các khóa học dịp hè ngày càng đa dạng hơn, trong đó có các khóa “tu sinh mùa hè”. Lợi dụng nhu cầu này, một số đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh muốn tìm khóa tu mùa hè cho con. Ví dụ một trường hợp tại Hà Nội “mắc bẫy” với chiêu thức tạo niềm tin bằng cung cấp số, ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban tu sinh”, sau đó thêm nạn nhân vào nhóm Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy để tăng tương tác cho đơn vị tài trợ khóa học, đối tượng lập trang “Tu sinh mùa hè” đã lừa của một phụ huynh tại Hà Nội với số tiền lên tới 2,8 tỷ đồng.
6. LỪA ĐẢO CẦN NGƯỜI GIỮ HỘ TIỀN
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đăng hình ảnh, bài viết giả danh bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư người nước ngoài và kết bạn với nạn nhân. Đối tượng tự nhận đang làm việc tại nước có chiến tranh, hiện có nhiều ngoại tệ cần người tin tưởng giữ hộ. Khi đã lấy được sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng lại giả danh nhân viên chuyển hàng quốc tế, nhân viên sân bay để liên lạc yêu cầu gửi các loại phí, thuế... thì mới nhận được gói hàng chứa ngoại tệ. Sau khi nhận được số tiền lớn mà người dùng chuyển chúng sẽ lập tức xóa mọi thông tin liên lạc.
Trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng nêu trên, người dân cần hết sức cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong nước và nước ngoài; không nên bấm vào đường link lạ từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị mất thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Không trả bất cứ loại phí nào nếu không mua hàng trên các hệ thống bán hàng chính thức của các trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn với những lợi ích hấp dẫn được hưởng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng để xác thực, tuyệt đối không nên tin và làm theo lời dụ dỗ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân cảnh giác.
Tiến Công