Học tập Bác Hồ về đức tính giản dị, tiết kiệm
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một câu nói về Bác: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/08/hoc-tap-bac-ho-ve-uc-tinh-gian-di-tiet.html
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một câu nói về Bác: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. “Giản dị - lão thực - hiền minh” là những đặc tính nổi bật trong đạo đức, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh, sự giản dị một cách tự nhiên vốn có của một bậc vĩ nhân, hiền triết.
Đức tính giản dị, thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết trong lối ăn, mặc, ở của Người. Đã là người Việt Nam, chúng ta hẳn không ai là không biết hay nghe kể về cuộc sống giản dị của Bác. Mấy chục năm xa cách quê hương, trở về, Người vẫn yêu thích những món ăn mang đậm chất quê nhà như cá kho, cà muối… Quần áo Người mặc thường ngày cũng chỉ là bộ bà ba màu nâu với đôi dép cao su, khi tiếp khách hay đến những sự kiện quan trọng cũng chỉ bộ kaki với đôi giày vải.
Mặc dù Bác là người có địa vị cao, là vị lãnh tụ thiên tài của cả dân tộc nhưng Bác luôn giữ cho mình sự giản dị và tiết kiệm. Dù là anh Văn Ba phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Tréville, hay là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng đầy khó khăn ở thủ đô Paris, nước Pháp, sau này là một vị Chủ tịch nước sống kham khổ nơi chiến khu trong những năm tháng kháng chiến, hay là một vị nguyên thủ quốc gia sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh hết sức giản dị.
Trong những năm tháng ấy, khi đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân ta cuộc sống gian khổ trăm bề, việc thực hành tiết kiệm, giản dị như đức tính của Bác – Người đứng đầu một quốc gia là một tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên khi ấy học tập, noi theo. Và dù hơn nữa thế kỷ đã trôi qua, đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ đến nay càng trở thành tấm gương cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Thực tế hiện nay, không ít cán bộ, công chức có thu nhập “chính thức” không cao, song vẫn sống trong những ngôi “biệt phủ” xa hoa, đầy đủ tiện nghi, xe hơi hiện đại, với chi tiêu hàng tháng cao gấp nhiều lần mức lương. Sinh hoạt cá nhân của không ít cán bộ, quan chức cũng rất hoang phí. Bên cạnh đó, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng.
Kinh tế, xã hội ngày nay đã phát triển hơn nhiều so với thời kỳ đất nước trong chiến tranh và bao cấp, mức sống chung của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Song đến nay Việt Nam, ở một số nơi, một số khu vực vẫn còn nhiều người dân có cuộc sống khó khăn, với tỉ lệ hộ nghèo cao. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta, những người cán bộ, đảng viên là những người “đầy tớ” của nhân dân càng phải thực hành tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí.
Trong bối cảnh đó, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, nhấn mạnh “Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp uỷ, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống nhân dân”.
Người xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để chỉ hình thức bên ngoài không quan trọng bằng bản chất bên trong của con người. Sống khiêm tốn, thật thà, giản dị hay sống xa hoa, bon chen, đua đòi theo vật chất, danh lợi là tùy cách nhận thức của mỗi người. Nhưng sống sao cho đẹp lòng người, sống có ích và không cảm thấy hối tiếc thì thật sự là một điều rất khó. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”./.
Quang
Đại