4 NGUYÊN NHÂN KHÔNG NÊN RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai s...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/09/4-nguyen-nhan-khong-nen-rut-bao-hiem-xa.html
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. (Theo Khoản 1 điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện bởi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của Pháp luật.
Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng), góp phần ổn định cuộc sống khi về già, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe. Có 02 hình thức tham gia BHXH tương ứng với 2 loại hình BHXH là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện.
Vậy tại sao không nên rút BHXH 1 lần? Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ nền kinh tế khó khăn khiến nhiều người lao động thất nghiệp, đời sống khó khăn. Vì thế, người lao động phải rút BHXH một lần để có tiền trang trải cho tình thế trước mắt. Thậm chí có một số ít người nhìn thấy lợi ích trước mắt muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”.Tuy nhiên, nếu ai cũng nghĩ như vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính quyền lợi của người lao động và hệ thống an sinh xã hội về sau, cụ thể:
1. Người lao động không được hưởng lương hưu khi về già: BHXH là khoản tiền đóng vào để làm cơ sở cho người lao động hưởng lương hưu khi về già. Với việc rút BHXH một lần, khi về già, người lao động sẽ không được hưởng lương hưu.Nếu người lao động không có lương hưu sẽ phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không có con cháu hoặc con cháu khó khăn thì đây là gánh nặng cho xã hội.
2. Không được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT): Khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng… là đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí. Như vậy, khi tham gia BHXH và được nhận lương hưu, người lao động cũng được cấp thẻ BHYT. Nếu rút BHXH 1 lần và không có lương hưu, nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài. Họ có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Hoặc nếu muốn được hưởng BHYT thì người lao động phải mua BHYT theo diện hộ gia đình thì mới được hưởng BHYT. Với một người không có lương hưu, một khoản tiền tham gia BHYT lúc đó cũng trở thành gánh nặng.
3. Không được nhận chế độ tử tuất: Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hôi 2014 quy định rõ: Người đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng được nhận 01 lần trợ cấp mai táng. Mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm người hưởng lương hưu chết. Ngoài ra, thân nhân của người này nếu đủ điều kiện còn được hưởng tiền tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Mặt khác, người lao động đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần thì thân nhân được nhận khoản tiền này.
4. Hưởng BHXH một lần bị “lỗ”
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014. Những năm đóng từ năm 2014 trở đi, mức hưởng bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trong khi đó, mỗi tháng, tổng mức đóng 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương đương 01 năm đóng 22% x 12 = 2,64 tháng lương. Dù mức hưởng BHXH một lần có bao gồm tiền trượt giá nhưng vẫn được đánh giá là thấp hơn số tiền người lao động đóng vào. Điều này cũng dễ hiểu, bởi bảo hiểm không giống như tiền gửi ngân hàng mà là biện pháp chia sẻ rủi ro của một người hay của một số ít người cho cả cộng đồng những người có khả năng gặp rủi ro cùng loại.
Trên thế giới, hầu hết quốc gia không cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH 1 lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu. Chính điều này đã làm an sinh xã hội của họ trở nên "vững chắc". Do đó mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm đối với chính bản thân, gia đình đình và cộng đồng xã hội trước khi có ý định rút BHXH 1 lần./.
Lan Anh - Tổng hợp