CẢNH GIÁC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG TỪ THIỆN ĐỂ TRỤC LỢI
Hoạt động từ thiện, nhân đạo là truyền thống, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cả...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/10/canh-giac-oi-voi-cac-hoat-ong-loi-dung.html
Hoạt động từ thiện, nhân đạo là truyền thống, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người gặp hoạn nạn, người sống ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về điều kiện vật chất, tinh thần, đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.… Trong những năm qua, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút sự tham gia tích cực, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ với những khó khăn, mất mát của đồng bào ta.
Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong thời gian qua ngoài giá trị bằng vật chất to lớn, còn phản ánh về mặt tinh thần, cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời truyền cảm hứng của lòng yêu nước, sự đoàn kết thương yêu nhau trong nhân dân, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết tương trợ, giúp đỡ quý báu, truyền thống đạo lý của dân tộc hàng ngàn năm nay.
Với giá trị nhân văn sâu sắc đó, Nhà nước luôn khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất.
Trên thực tế như một thông lệ và truyền thống từ thiện của người Việt, thì khi xảy ra thiên tai, các cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ luôn nhiệt tình kêu gọi ủng hộ người dân gặp khó khăn, hành động này nặng về tình người, tương thân, tương ái và thực hiện trong hoàn cảnh cấp bách. Nó diễn ra trong một thời gian dài, lặp đi lặp lại, nên cả xã hội cũng như cách nhìn từ quản lý nhà nước đều mặc nhiên xem hoạt động này là nhân đạo, không vi phạm pháp luật. Vì lẽ đó, không ít cá nhân đã lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo để trục lợi và thực tế đã có nhiều vụ việc bị phát hiện, xử lý.
Những năm qua, quy định của pháp luật về các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện nhân đạo không ngừng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong việc tham gia đóng góp cho cộng đồng, xã hội; sự ra đời của hàng loạt văn bản luật, nghị định, thông tư đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động từ thiện. Các quy định pháp luật có thể kể đến như: Nghị định số 93/2021/NĐ - CP, ngày 27/10/2021, của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo...; Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008; Nghị định 03/2022/NĐ - CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện… Các văn bản trên cơ bản đã quy định chặt chẽ về công tác công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, đảm bảo tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai.
Bên cạnh những kết quả, giá trị tích cực, đúng mục đích của hoạt động từ thiện đã đạt được trong thời gian qua thì vẫn có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi, sai mục đích. Hành vi này không chỉ trái pháp luật, vô nhân đạo mà còn khiến lòng tin giữa người và người bị xói mòn, nội bộ của người dân giữa người được giúp đỡ, người chưa được giúp đỡ, người không có lý do gì để được giúp đỡ, bị rạn nứt, tình làng nghĩa xóm bị nhạt phai…
Chúng ta cần sáng suốt nhận diện các thủ đoạn lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà việc vận động từ thiện ngày càng phổ biến trên không gian mạng, việc ủng hộ từ thiện được thực hiện qua chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Đối tượng lừa đảo có thể tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.
Thậm chí, có trường hợp đối tượng tạo tài khoản giả mạo cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức uy tín để đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lụt để kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn, những thiệt hại do thiên tai, bão lũ đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.
Ngoài ra, việc trục lợi từ hoạt động từ thiện, nhân đạo còn được đối tượng thực hiện thông qua việc lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện như: không chi hoặc bớt xén, chi không đúng số tiền nhận được, chi không đúng mục đích của hành động từ thiện; “găm” tiền, không chi ngay cho đối tượng cứu trợ số tiền nhận được,...
Qua các vụ việc lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi được các cơ quan chức năng cảnh báo thời gia qua, chúng ta thấy rằng các phương thức của các đối tượng là rất đa dạng. Do vậy để hoạt động từ thiện đúng tôn chỉ mục đích, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,không nên làm theo hướng đẫn chưa được kiểm chứng trên Intenet, không chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân nào khi không xác định được chính xác thông tin người nhận. Người dân cần tìm hiểu và xác minh thông tin qua các nguồn tin chính thống, đồng thời đề nghị người dân báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện trang hoặc tài khoản cá nhân có dấu hiệu lừa đảo. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin, theo dõi việc thu, chi tiền từ thiện, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ.
Ngoài ra, để tránh tình trạng bị lừa đảo, người dân nên ủng hộ, hỗ trợ từ thiện thông qua các cơ quan nhà nước như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ các cấp và chính quyền địa phương…, không nên ủng hộ thông qua cá nhân khi không biết chính xác về cá nhân đó. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.