Cơ hội và thách thức phát triển nền Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế nước ta hiện nay
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng quan niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN là: “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ the...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/03/co-hoi-va-thach-thuc-phat-trien-nen.html
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng quan niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN là: “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Quan điểm này một lần nữa được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đẩy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Thực tiễn qua 35 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ năm 2001 đến nay, đã tạo động lực cho sự phát triển của đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc bào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Đảng ta cũng chỉ ra những mặt hạn chế đó là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đồng bộ, đầy đủ để đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. Thị trường chưa là cơ sở, căn cứ huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học, công nghệ.
Thấy được những mặt hạn chế, đứng trước những cơ hội và thách thức kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế Đảng ta xác định: hội nhập kinh tế quốc tế cho phép tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài để phát triển sản xuất kinh doanh như vốn, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý nền sản xuất lớn để phát triển kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, mở rộng và phát triển thương mại quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tạo tiền đề đáp ứng nhu cầu đầu vào và giải quyết đầu ra cho nền kinh tế thị trường. Mở cửa nền kinh tế là cơ hội để tranh thủ vốn, kỹ thuật công nghệ để phát triển giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế,… đó là hạ tầng kinh tế - xã hội cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những cơ hội mà chúng ta cần tranh thủ thì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức đó là năng lực cạnh tranh thấp, đây là thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ. Vì vậy, khi vận hành nền kinh tế thị trường sẽ thiếu những cơ sở pháp lý để quản lý, ngăn ngừa, xử lý những vi phạm. Đặc biệt, có những luật chưa tương thích với những thông lệ và luật pháp quốc tế, do đó các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên thị trường quốc tế khó tránh khỏi những vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế.
Thứ hai: Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay cũng là thách thức lớn bởi trên thực tế lực lượng lao động không có tay nghề dôi thừa lớn tạo áp lực việc làm lớn, nhưng lao động theo yêu cầu phát triển thị trường hiện đại lại rất thiếu.
Thứ ba: Khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý sử dụng chưa cao, chưa theo nguyên tác thị trường, nhất là đất đai. Tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống.
Thứ tư: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu “Tính kết nối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông thiếu đồng bộ, đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đến đường sắt, đường thuỷ, thiếu các cảng biển, cảng sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao.
Trước những cơ hội và thách thức, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng đã đề ra một số giải pháp cơ bản phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đó là:
Thứ nhất: Tiếp tục nhận thức và hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là sự chuẩn bị những tiền đề vật chất cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển. Là con đường tối ưu rút ngắn khoảng cách tụt hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong điều kiện phát triển của cuộc Cách mạng công nghệ thứ tư.
Thứ ba: Phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường là nhân tố để giải quyết các mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu đầu vào và đầu ra của nền kinh tế.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế đó là phải giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác.
Thứ năm: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đó là nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; năng lực làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thể thấy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay vừa tạo ra nhiều cơ hội để phát triển đất nước nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, với quan điểm nhất quán của Đảng tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển khách quan và xu thế tất yếu của thời đại”. Chúng ta tin chắc rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn, nhất quán của Đảng, là điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đông Kinh