Nghị định 168: Bước tiến vì an toàn giao thông và sự công bằng xã hội
Giao thông không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn là tấm gương phản chiếu ý thức xã hội và trình độ văn minh của một quốc gia. Tro...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/03/nghi-inh-168-buoc-tien-vi-toan-giao.html
Giao thông không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn là tấm gương phản chiếu ý thức xã hội và trình độ văn minh của một quốc gia. Trong những năm qua, tai nạn giao thông vẫn là một vấn đề nhức nhối, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm. Trước thực trạng đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ra đời như một biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường kỷ cương, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, nghị định này cũng gặp phải không ít luồng ý kiến trái chiều, thậm chí bị lợi dụng để kích động dư luận
Nghị định 168 bảo vệ sinh mạng con người
Con người là giá trị cốt lõi của mọi chính sách. Mỗi sinh mạng mất đi không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là mất mát của toàn xã hội. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2024, cả nước xảy ra 23.484 vụ tai nạn giao thông, làm 10.944 người chết và 17.342 người bị thương. Đây không chỉ là những con số vô hồn mà còn là những giọt nước mắt, những mái nhà tan vỡ, những đứa trẻ mất cha mẹ, những người vợ mất chồng. Khi những con số này vẫn còn cao, việc siết chặt kỷ luật giao thông không phải là vấn đề có nên làm hay không, mà là bắt buộc phải làm.
Trong 6 ngày Tết Nguyên đán 2025, cả nước ghi nhận 308 vụ tai nạn giao thông, làm 137 người chết và 257 người bị thương, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Nghị định 168 đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc hạn chế tai nạn, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân.
Nghị định 168 không chỉ là biện pháp hành chính mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Hệ thống trừ điểm trên giấy phép lái xe giúp mỗi cá nhân ý thức hơn về hậu quả của hành vi vi phạm. Thay vì chỉ nộp phạt rồi tiếp tục tái phạm, người vi phạm sẽ có động lực thay đổi hành vi để giữ gìn quyền lợi lái xe của mình. Đây là một bước đi hướng đến sự giáo dục hơn là trừng phạt, giúp nâng cao ý thức giao thông một cách bền vững.
Không ai có quyền gây nguy hiểm cho người khác
Một số ý kiến cho rằng nghị định này quá hà khắc, nhưng hãy đặt câu hỏi: Liệu một người có quyền say rượu rồi lái xe, lao vào những người vô tội? Liệu một tài xế có quyền phóng nhanh vượt ẩu, đẩy người khác vào nguy cơ mất mạng? Nếu ai cũng xem thường luật pháp, trật tự xã hội sẽ ra sao? Sự tự do của một người không thể xây dựng trên sự bất an của người khác.
Khi một hành vi sai trái trở thành thói quen, người ta không còn thấy nó sai nữa – cho đến khi luật pháp đặt lại trật tự. Thói quen vượt đèn đỏ, leo lề, lấn làn không phải là quyền lợi mà là sự vi phạm. Nghị định 168 giúp tái thiết lập kỷ cương, để mỗi người dân nhận thức rõ rằng chấp hành luật giao thông là nghĩa vụ, không phải sự lựa chọn tùy tiện.
Nghị định 168 tạo ra một cơ chế xử phạt minh bạch, nghiêm minh và công bằng. Những ai tuân thủ luật giao thông sẽ không có gì phải lo lắng. Những ai vi phạm sẽ chịu hậu quả tương xứng. Chính sự công bằng này giúp đảm bảo quyền lợi của những người dân lương thiện, giúp đường phố trở nên an toàn hơn.
Đập tan những luận điệu xuyên tạc, kích động
Bên cạnh những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, không ít kẻ xấu đã lợi dụng Nghị định 168 để xuyên tạc, bóp méo sự thật, thậm chí kích động chống đối chính quyền. Một số luận điệu sai lệch thường thấy như:
“Nghị định này nhằm tận thu, làm khó người dân” – Sự thật là toàn bộ số tiền phạt thu được từ vi phạm giao thông không phải là mục tiêu mà chỉ là công cụ để răn đe. Nếu không vi phạm, sẽ không ai bị phạt. Hơn nữa, nếu nhìn vào những tổn thất do tai nạn giao thông gây ra – hàng tỷ đồng mỗi năm cho chi phí y tế, cứu hộ, xử lý hậu quả – thì việc giảm vi phạm chính là giúp tiết kiệm cho toàn xã hội.
“Hệ thống trừ điểm giấy phép lái xe là vô lý” – Đây là phương pháp đã được nhiều nước áp dụng như Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản... và chứng minh hiệu quả. Việt Nam không đi ngược xu hướng mà đang tiến tới chuẩn mực quốc tế.
“Nghị định này vi phạm quyền tự do của người dân” – Như đã phân tích, quyền tự do không đồng nghĩa với quyền gây hại cho xã hội. Nếu một người có ý thức tuân thủ luật lệ, nghị định này chẳng ảnh hưởng gì đến họ.
Khi tất cả cùng tuân thủ luật lệ, chúng ta sẽ có một xã hội văn minh hơn, nơi mà trẻ em có thể an toàn băng qua đường, nơi mà người già không còn nơm nớp lo sợ xe máy phóng vèo vèo trên vỉa hè. Những cải cách đôi khi gây ra sự phản đối ban đầu, nhưng thời gian sẽ chứng minh giá trị của chúng. Khi đường phố bớt đi tiếng còi xe cấp cứu, đó sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của Nghị định 168.
Ngô Di