Sự cần thiết của việc đẩy mạnh Công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam bắt đầu công nghiệp hoá vào cuối những năm 1960 và kể từ Đại hội III của Đảng. Đến năm 1986, quá trình công nghiệp hoá ở nước ta ...

Việt Nam bắt đầu công nghiệp hoá vào cuối những năm 1960 và kể từ Đại hội III của Đảng. Đến năm 1986, quá trình công nghiệp hoá ở nước ta đã trải qua hai giai đoạn: Công nghiệp hóa ở miền Bắc giai đoạn 1960 – 1975 và công nghiệp hóa trên phạm vi cả nước từ 1975 - 1986. Do nhận thức và tiến hành công nghiệp hóa theo tư duy cũ, với mô hình nền kinh tế khép kín và do nóng vội, giản đơn, chủ quan duy ý chí, nên nền kinh tế vẫn trong tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Kể từ khi đổi mới năm 1986, việc nhận thức và giải quyết vấn đề phát triển lực lượng sản xuất của Đảng đã ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức được hình thành. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức không chỉ là bước đi tất yếu mà còn là cần thiết đối với Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức và kinh tế số là con đường tất yếu, có tính quy luật đối với mọi quốc gia trên con đường trở thành một xã hội hiện đại. Thật vậy, để tiến hành sản xuất, con người đã phải tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh. Nhờ những tìm hiểu và khám phá ấy, con người đã chế tạo ra được những công cụ lao động và những phương tiện cần thiết khác làm cho việc sản xuất ngày càng có năng suất và hiệu quả cao hơn. Sản xuất xã hội càng phát triển càng chứng tỏ trình độ hiểu biết sâu sắc của con người đối với thế giới, con người càng có những tư liệu lao động hoàn thiện hơn. Quá trình phát triển này tất yếu chuyển nền sản xuất từ sử dụng công cụ thủ công lên sản xuất băng máy, tức là xã hội bước sang giai đoạn công nghiệp hóa. Thêm vào đó, trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp và các nền kinh tế phải đối mặt với cạnh tranh. Để tồn tại và phát triển, các chủ thể kinh tế phải đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phải sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực. Đòi hỏi đó, tất yếu thúc đẩy quá trình chuyển việc sản xuất chủ yếu dựa vào công cụ lao động thủ công lên sản xuất bằng máy và lên trình độ ngày càng cao hơn. Đây là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì mức độ cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn. Việc tìm và tạo ra lợi thế cạnh tranh, tham gia phân công lao động vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước và quốc tế để tồn tại và phát triển là yêu cầu bắt buộc đối với mọi chủ doanh nghiệp và mọi quốc gia. Trong bối cảnh đó, những lợi thế do những biến đổi chủ quan thông qua hoạt động của con người ngày càng trở nên quyết định hơn so với lợi thế do phân bố ngẫu nhiên về tài nguyên và vị trí của đất nước. Chính vì thế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu ngày càng đạt tới trình độ cao hơn.
Thứ hai, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là cách thức để Việt Nam sớm ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Nước ta tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện khoa học và công nghệ trên thế giới diễn ra ngày căng mạnh mẽ chưa từng có, các nước đang trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chuyển mạnh lên kinh tế tri thức và kinh tế số. Ở trong nước, tuy đã có những phát triển tích cực, nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Đất nước vẫn phải đương đầu với những thách thức gay gắt và những nhiệm vụ nan giải: một mặt, tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản đặt ra cho nền kinh tế trong quá trình chuyển từ kinh tế nông nghiệp lên trình độ của nền kinh tế công nghiệp, như bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu cầu nước sạch, trường học, đi lại cho người dân; mặt khác, phải nhanh chống nắm bắt các xu thế phát triển hiện đại không những chỉ để chống tụt hậu ngày càng xa hơn so với trình độ chung của thế giới, mà còn phải thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển khi bản thân họ đã có trình độ phát triển cao hơn. Khi các yếu tố cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đơn thuần là vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, mà còn có thêm yếu tố tri thức có vai trò quan trọng, trực tiếp và quyết định, nếu không nhanh chống nắm bắt và vận dụng được tri thức mới thì sẽ không thể thoát khỏi sự tụt hậu, cách xa so với các nước phát triển. Trong điều kiện đó, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội, mà phải tìm giải pháp bứt phá, phải khai thác “lợi thế nước đi sau” nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số. Chỉ có mạnh dạn đi vào phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số, chúng ta mới có khả năng đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số còn là cần thiết để cải thiện và nâng cao mức sống người dân.
Thứ ba, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là yêu cầu bắt buộc để tạo lập cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Cơ sở vật chất – kỹ thuật của một phương thức sản xuất là toàn bộ các yếu tố vật chất của lực lượng sản xuất tương ứng với trình độ kỹ thuật, công nghệ nhất định; dựa vào đó lực lượng lao động của xã hội tiến hành sản xuất của cải. Trình độ đạt được của cơ sở vật chất – kỹ thuật còn là tiêu thức dùng để xác định một thời đại kinh tế, phân biệt phương thức sản xuất chứa đựng nó thuộc loại hình kinh tế - xã hội lịch sử nào. Các phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản đều dựa trên cơ sở vật chất – kỹ thuật với công cụ lao động thủ công, lạc hậu, năng suất thấp. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sở dĩ chiến thắng phương thức sản xuất phong kiến vì nó tạo ra nền đại công nghiệp để có năng suất lao động cao hơn. Điều này tức là, phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa tất yếu phải phát triển dựa trên cơ sở vật chất – kỹ thuật ở trình độ cao hơn chủ nghĩa tư bản.
Cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền công nghiệp lớn hiện đại với cơ cấu kinh tế hợp lý, trình độ xã hội hóa cao, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, được hình thành có kế hoạch trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ kế thừa những thành quả văn minh nhân loại đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản, mà còn được phát triển và hoàn thiện trên cơ sở những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ, tham gia tích cực và có hiệu quả vào phân công lao động và hợp tác quốc tế. Đối với các nước đã qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc xác lập cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được tiến hành thông qua kế thừa, điều chỉnh và hoàn thiện cơ sở vật chất – kỹ thuật đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản theo yêu cầu của chế độ mới và phát triển nó lên trình độ cao hơn. Tạo lập cơ sở vật chất – kỹ thuật để xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực là đòi hỏi có tính bắt buộc đối với tất cả các nước muốn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin viết: “Cơ sở vật chất duy nhất và thực sự để làm tăng của cải của chúng ta, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là đại công nghiệp... Không có một nền đại công nghiệp tổ chức cao thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được, mà lại không thể nói đến chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp được”. Đòi hỏi này càng trở nên cấp thiết đối với một nước có điểm xuất phát thấp như Việt Nam. Con đường cơ bản để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay tát yếu phải là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số.
Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức bắt nguồn từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn, đầy đủ hơn. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng phát triển nổi trội hiện nay. Trong xu hướng này, nhân loại đang đẩy nhanh việc đi đến một thị trường thế giới thống nhất, một hệ thống tài chính, tín dụng toàn cầu, phát triển, phân công lao động quốc tế hướng mạnh theo chiều sâu, giao lưu khoa học và công nghệ giữa các nước ngày càng mở rộng. Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy các doanh nghiệp và các quốc gia sẵn sàng hợp tác với nhau để cùng hưởng lợi do hợp tác mang lại. Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tạo cơ hội cho sự phát triển nhảy vọt của nước đi sau, nhưng nó cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi mỗi nước phải biết lựa chọn giải pháp phát triển. Đối với nước ta, để chủ động hội nhập sâu hơn, đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương có hiệu quả, một đòi hỏi có tính bắt buộc là phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phải coi tri thức là đòn bẩy làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, thúc đẩy quá trình hội nhập.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức còn bắt nguồn từ vai trò của nó trong việc tạo ra những điều kiện cần thiết về con người và khoa học, công nghệ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phép khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực để tăng trưởng kinh tế, tạo khả năng thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của mọi người dân. Thông qua quá trình này sẽ cải thiện điều kiện của người lao động, giải phóng lao động nặng nhọc, lao động trong môi trường độc hại, tạo điều kiện cho con người phát triển tự do, toàn diện. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức còn đưa đến nhiều tác dụng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh quốc gia.
Nhận thức tính tất yếu và sự cần thiết của công nghiệp hóa, hiện đại hóa kể từ khi đổi mới, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ lần VII chủ trương “công nghiệp hóa phải đi đôi với hiện đại hóa, coi đó là con đường thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước chung quanh, giữ được ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả đạt được về công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm qua, đồng thời nêu rõ những nội dung cốt lõi cần thực hiện trong những năm tói đó là “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…”. Điều này thể hiện tại mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được cụ thể trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD, năm 2020 giá trị tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 900 USD, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”;
Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII “Về tiếp tục đẩy mạng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 20245” Đảng ta xác định: CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân, cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với đô thị hoá. Với mục tiêu đến năm 20230 hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao. Xây dựng được nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạng, từng bước làm chủ được công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến; các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại…”
Có thể thấy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạng mẽ trên toàn thế giới, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi nhận thức về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển. 
Đông Kinh

Related

Chính trị 8744400950169408142

Đăng nhận xét

emo-but-icon
:noprob:
:smile:
:shy:
:trope:
:sneered:
:happy:
:escort:
:rapt:
:love:
:heart:
:angry:
:hate:
:sad:
:sigh:
:disappointed:
:cry:
:fear:
:surprise:
:unbelieve:
:shit:
:like:
:dislike:
:clap:
:cuff:
:fist:
:ok:
:file:
:link:
:place:
:contact:

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
13719
  • BÀI VIẾT: 271
  • BÌNH LUẬN: 2
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item