Phản bác luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam
"Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, ph...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/04/phan-bac-luan-ieu-xuyen-tac-ve-nhan.html
"Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất". Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đó cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Thực tế, những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận, khẳng định công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam không ngoài mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống và các quyền của người dân, mọi thành quả phát triển của Việt Nam đều là vì con người
Tuy nhiên, quyền con người cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng, xuyên tạc, hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhằm thực hiện âm mưu này, chúng không ngừng tìm cách phủ nhận những thành tựu về bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, chúng triệt để sử dụng Internet, mạng xã hội phát tán nhiều tin, bài với các nội dung quan điểm sai trái, thù địch nhằm tác động đến tâm lý người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị không ngừng xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền ở nước ta. Cùng với đó là sự hà hơi, tiếp sức của một số cá nhân, tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông có định kiến và cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam với mục đích làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tác động tiêu cực đến tư tưởng nhân dân hòng làm phai nhạt, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Trên các trang mạng VOA, RFA, RFI… đăng một loạt bài viết có tính chất xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền của Việt Nam. VOA cho rằng: “Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam “tồi tệ hơn” trong năm 2024”. Bằng cách trích dẫn một chiều từ lời của các tổ chức phản động, phần tử chống đối Việt Nam như Dự án 88, tổ chức khủng bố Việt Tân, Nguyễn Văn Đài…, VOA cho rằng: “Năm 2024 chứng kiến tình hình vi phạm nhân quyền tiếp tục tồi tệ ở Việt Nam với nhiều bản án nặng và tình trạng đàn áp xuyên quốc gia, dù Hà Nội đang đảm nhận cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”. Đây là những lập luận thiếu khách quan, sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận theo ý đồ xấu của chúng.
Đối với Việt Nam, mặc dù tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng tôn giáo hòng thực hiện các mưu đồ chính trị để chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, bóp méo cho rằng Việt Nam "đàn áp tôn giáo"; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phân người dân để thành lập các "đạo lạ", các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo nhưng mang màu sắc chính trị, truyền đạo trái phép. Tìm cách lồng ghép những tư tưởng phản động, xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, chống đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, gieo nên định kiến, ác cảm của đồng bào tôn giáo đối với chính quyền. Từ đó, kích động gây rối, làm mất ổn định chính trị, xã hội, gây mất đoàn kết lương giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Thực tế đã minh chứng, những con số biết nói đã trả lời đầy đủ nhất cho những luận điệu vô căn cứ của bọn chúng đó là: sau hơn 40 năm đổi mới do Đảng khởi xướng là một kỳ tích, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 1986 chỉ dưới 100 USD thì đến 2024 đã vượt hơn 4.000 USD. Những quyết sách, chủ trương mới đây của Đảng, Chính phủ là điểm sáng nổi bật làm nức lòng dân, mang đậm tính nhân văn, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đảng, Chính phủ vận động mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân có thu nhập thấp từ nay đến năm 2030. Song song đó là chính sách trợ vốn, xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho mọi người dân nghèo trong cả nước từ nay đến cuối năm 2025 là hoàn tất.
Trong báo cáo mới đây về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam là một trong 20 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, là một trong những nước dẫn đầu về Đổi mới sáng tạo trong số các quốc gia thu nhập trung bình, với tốc độ tiến bộ đáng kinh ngạc. Tính từ năm 2019 đến nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Với các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", tới hết tháng 9/2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc là 1,93%, giảm 1%. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 03 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công, hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Việt Nam từ xếp hạng 88/149 quốc gia năm 2016 đã tăng lên 54/166 quốc gia được xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững và tăng 1 bậc so với năm 2023. Tỷ lệ dân số ở Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói với mức thu nhập dưới 3,65 USD/ngày (theo sức mua tương đương năm 2017) đã giảm mạnh từ 14% vào năm 2010 xuống dưới 4% vào năm 2023.
Đặc biệt tại khóa họp 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa qua, Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp thiết thực với việc chủ trì một số sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, trong đó có một số phát biểu chung của ASEAN, chủ trì xây dựng và trình bày Phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, tổ chức cuộc tọa đàm quốc tế, đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển...Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 07/09 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế; xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc… Đặc biệt Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở khu vực châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em, Công ước về quyền của con người khuyết tật. Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và đã đạt được những thành tựu, dấu ấn không thể phủ nhận, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việc thực hiện dân chủ và quyền con người còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, trước hết là trình độ phát triển kinh tế và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc trên tất cả các phương diện của đời sống. Các nước có chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, không thể lấy quan niệm, thực tiễn của nước này, của dân tộc này về dân chủ và quyền con người áp đặt cho nước khác, cho dân tộc khác. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở nước ta có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân cần đề cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
NHP