Sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta về con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là sự lựa chọn đú...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/04/su-lua-chon-ung-cua-ang-bac-ho-va-nhan.html
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta. Từ đó, cách mạng Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vĩ đại, đưa cả nước vững bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Vậy nhưng, vẫn có những luận điệu xuyên tạc, phê phán con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mưu toan gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn xã hội. Những luận điệu đó cần nhận diện, đấu tranh, phản bác…
Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu; các chính khách tư bản chủ nghĩa dự đoán chủ nghĩa xã hội sẽ diệt vong vào cuối thế kỷ XX. Họ hy vọng nếu điều đó xảy ra, chủ nghĩa tư bản còn lại là “vĩnh viễn”, là “thiên đường” của nhân loại. Để sớm “tiêu diệt” mầm móng của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản tăng cường các hoạt động “diễn biến hoà bình”, gia tăng tần suất, cường độ chống phá các nước theo con đường Xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam.
Một trong những luận điệu quen thuộc các thế lực thù địch sử dụng là đòi Đảng ta, Nhân dân ta từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Họ cho rằng “đó là con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”! Rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, Đảng Cộng sản đã hết vai trò lịch sử, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội khác nào đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu! Họ cố tình xuyên tạc lý luận của chủ nghĩa Mác không còn phù hợp, chủ nghĩa xã hội mà các nhà kinh điển C.Mác, Ph.Ăngghen, Vi.Lênin vạch ra và Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng là “không tưởng”, không bao giờ thành hiện thực, chỉ là “viển vông” và “điên rồ”! Họ thường xuyên đăng trên các diễn đàn các bài viết phủ nhận, xuyên tạc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vào các kỳ đại hội Đảng, họ viết “thư ngỏ” với hàng chục, thậm chí hàng trăm chữ ký nhân danh nhà cách mạng, nhà yêu nước, nhà dân chủ để yêu cầu Đảng và Nhà nước ta “thức tỉnh” dẫn dắt dân tộc đi theo con đường khác, họ khuyên ta nên theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện “đa nguyên chính trị”, xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp, thay đổi Cương lĩnh và từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Họ cảnh báo Đảng ta bao nhiêu năm theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đẩy đất nước rơi vào “tình thế hiểm nghèo”, “khủng hoảng toàn diện”, nếu không bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đất nước, dân tộc sẽ mãi chìm đắm trong nghèo nàn, lạc hậu!
Đây thực sự là những luận điệu phản động, có mục đích, ý đồ rõ ràng, tác động đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoài nghi, mơ hồ, dao động, suy giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là tác nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tạo thời cơ để các thế lực thù địch tác động, chuyển hoá thể chế chính trị, gây bất ổn xã hội, cuối cùng là lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Không thể bóp méo sự thật, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sự thật rằng, C.Mác, Ph.Ăngghen, Lênin là những nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Những tiên lượng của chủ nghĩa Mác về xã hội tương lai có giá trị khoa học, cách mạng, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của thời đại. Trên cơ sở phân tích sự vận động phát triển của lịch sử nhân loại qua hàng ngàn năm lịch sử, C.Mác, Ph.Ăngghen đã sáng tạo nên học thuyết về hình thái – kinh tế xã hội, theo đó, sự xuất hiện của các hình thái kinh tế xã hội là khách quan, bởi sự thay đổi, phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi phải có một quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp. Mỗi quốc gia, dân tộc tuỳ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể có thể bỏ qua một hoặc vài hình thái nào đó nhưng quy luật chung của xã hội loài người là phát triển từ thấp đến cao. Theo đó, sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một xã hội phát triển cao hơn cũng là tất yếu khách quan. Bởi lẽ, chủ nghĩa tư bản không phải là xã hội hoàn hảo, không phải là hình thái kinh tế - xã hội cuối cùng. Chính C.Mác đã vạch ra bản chất bóc lột, bất công tồn tại trong chủ nghĩa tư bản thông qua học thuyết về giá trị thặng dư. Dù ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều thay đổi nhưng những khuyết tật, mâu thuẫn thuộc về bản chất vẫn không hề thay đổi, vẫn là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ở trình độ cao. Điều đó tất yếu dẫn đến sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, ở đó, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, được tự do, ấm no, hạnh phúc, hỏi rằng xã hội đó (xã hội chủ nghĩa) sao gọi là “không tưởng”, “viễn vong” như các thế lực phản động rêu rao!
Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa Xã hội dựa trên nền tảng lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thế nhưng, các quan điểm sai trái, phản động lại vịn vào sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu để lập luận rằng: sự sụp đổ đó là minh chứng chủ nghĩa Mác đã sai lầm, chủ nghĩa tư bản mới là xã hội ưu việt… Họ cố tình không hiểu sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa chứ không phải là sự sụp đổ của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác. Họ thừa hiểu chính âm mưu “diễn biến hoà bình” của họ đã thực hiện tại Liên Xô và Đông Âu, trong khi đội ngũ cán bộ, đảng viên lơ là mất cảnh giác, dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, thế nhưng họ cố tình lờ đi. Mặt khác, trong khi sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản, quan trọng là công tác xây dựng chỉnh đốn đảng không được quan tâm, sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khiến cho nội bộ lãnh đạo cao nhất của đảng chia rẽ sâu sắc, quyền lực tập trung vào tay những kẻ cơ hội, chống đối, gây hoang mang, dao động, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân dẫn đến mất đảng, mất chính quyền… thì các quan điểm sai trái, phản động lại cho rằng nguyên nhân chủ yếu là không có con đường đi lên chủ nghĩa xã hội!
Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam không sao chép mô hình của Liên Xô và Đông Âu, chúng ta chỉ học tập kinh nghiệm và vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Mặt khác, khi thực hiện công cuộc Đổi mới, Đảng ta xác định rõ các nguyên tắc để đảm bảo đúng định hướng, trong đó trọng tâm là đổi mới về tư duy kinh tế và nhất quán quan điểm đổi mới chứ không đổi màu. Quan điểm đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là thiếu khách quan, là sai lầm có dụng ý. Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới, có thể thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã sáng rõ hơn. Đất nước giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại mở rộng, vị thế và vai trò của Việt Nam được khẳng định và nâng cao, tạo thế và lực để nước ta tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đó là minh chứng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người. Cũng đồng thời là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ quan điểm cho rằng đất nước ta đang rơi vào “tình thế hiểm nghèo”, “khủng hoảng toàn diện” như những lời rêu rao của các thế lực thù địch, phản động.
Chúng ta không phủ nhận, trong quá trình phát triển, đất nước còn những hạn chế. Cả hệ thống chính trị luôn trăn trở, tìm giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để khắc phục. Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn này như C.Mác, Ph.Ăngghen dự báo không tránh khỏi những “cơn đau… kéo dài”, cần trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh để vượt qua.
Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; thường xuyên xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ Nhân dân bằng những giải pháp cụ thể: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường cường công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của người dân trong xã hội; thể chế hoá chủ trương thành chích sách; tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở từng cấp, từng ngành là câu trả lời rõ ràng cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cho dù những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động có thâm độc, tinh vi đến đâu thì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã chọn ở nước ta vẫn luôn là ánh sáng phơi bày tường tận mọi ý đồ đen tối của các thế lực thù địch và tự nó phản bác đanh thép, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái.
Đông Kinh