Bổ sung quy định về giám sát điện tử đối với các đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Luật Thi hành án Hình sự số 41/2019/QH14 được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/05/bo-sung-quy-inh-ve-giam-sat-ien-tu-oi.html
Luật Thi hành án Hình sự số 41/2019/QH14 được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung, đối với lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 đã cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và pháp luật có liên quan; kế thừa những quy định phù hợp và bổ sung các quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Qua triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình tổ chức, triển khai thực hiện công tác thi hành án hình sự như: chưa có cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; một số quy định Luật Thi hành án Hình sự chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin chưa được chú trọng, đẩy mạnh; công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng chưa được đổi mới nhằm đạt hiệu quả tốt nhất;…
Trước tình hình đó, việc sửa đổi Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 được đặt ra rất cần thiết, góp phần đổi mới công tác quản lý đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục với đối tượng này. Đồng thời, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra, việc ứng dụng sâu rộng công nghệ và chuyển đổi số trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là tất yếu và cũng là mục tiêu chiến lược trong tình hình mới, theo đó, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật của thi hành án hình sự, qua thực tiễn triển khai công tác thi hành án hình sự vẫn còn một số bất cập hạn chế trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin thực hiện công tác thi hành án hình sự. Do vậy, việc nghiên cứu bổ sung chế định mới về việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự là rất cần thiết.
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với mục đích tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự, cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin và đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng… Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 17 chương, 225 điều (tăng 01 chương và 17 điều so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019), trong đó, sửa đổi, bổ sung 86 điều, xây dựng mới 17 điều. Dự thảo Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Điểm mới nhất của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là đã dành riêng một Chương (Chương IV) quy định về Giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng, quản lý người được hoãn chấp hành hình phạt tù; người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù... Trong đó, quy định cụ thể về phương thức giám sát điện tử; thực hiện giám sát điện tử; trung tâm giám sát điện tử; trách nhiệm của người bị giám sát điện tử; trường hợp không thực hiện giám sát điện tử.
Về phương thức giám sát điện tử, người bị giám sát điện tử được gắn 1 thiết bị giám sát điện tử lên cơ thể của người này để theo dõi vị trí trong quá trình bị giám sát. Khi đi khỏi phạm vi địa bàn cư trú, làm việc thiết bị sẽ phát cảnh báo đến cơ quan, người quản lý. Việc triển khai đeo thiết bị giám sát điện tử để quản lý, giám sát chặt chẽ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng là sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác tác thi hành án hình sự và sẽ mang lại hiệu quả rất lớn như:
- Với hiệu quả quản lý chặt chẽ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sẽ là tiền đề và cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền tăng cường áp dụng hình phạt ngoài cộng đồng, tiến tới mở rộng phạm vi áp dụng giám sát điện tử đối với các đối tượng đang chấp hành án hình sự khác trong thời gian tới. Từ đó, giảm số phạm nhân thi hành án trong cơ sở giam giữ và giải quyết vấn đề quá tải của các cơ sở giam giữ hiện nay, giảm tải áp lực cho cán bộ làm công tác quản lý thi hành án hình sự tại cơ sở giam giữ, giúp làm giảm chi ngân sách nhà nước trong việc quản lý, giáo dục, cải tạo, bảo đảm chế độ cho phạm nhân trong cơ sở giam giữ cũng như góp phần bảo đảm tốt hơn về chế độ, điều kiện ăn, ở của phạm nhân;
- Tăng nguồn lực lao động cho cho xã hội; tăng của cải, vật chất cho xã hội do người người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng lao động, sản xuất;
- Đẩy mạnh hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sau khi họ chấp hành xong án phạt do họ đang được sinh hoạt, lao động bình thường ngoài xã hội; cùng với đó, sẽ tiết kiệm kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với các đối tượng này;
- Việc quản lý chặt chẽ người được hoãn chấp hành hình phạt tù; người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù sẽ hạn chế tình trạng đối tượng này bỏ trốn và vi phạm pháp luật.
Việc bổ sung quy định về giám sát điện tử trong dự thảo Luật Thi hành án Hình sự (sửa đổi) là một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thi hành án. Thiết bị này không chỉ giúp cơ quan thi hành án giảm bớt gánh nặng về nhân lực mà còn tạo điều kiện để người bị án có cơ hội tái hòa nhập xã hội trong môi trường quen thuộc, hạn chế nguy cơ tái phạm. Việc triển khai thiết bị giám sát điện tử một cách hợp lý và có kiểm soát sẽ góp phần xây dựng một hệ thống thi hành án hình sự nhân văn, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
N.T.C