Trong thời điểm cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), những luận điệu x...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/05/loi-dung-viec-to-chuc-le-duyet-binh-ky.html
Trong thời điểm cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), những luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch như trang “Chân Trời Mới Media” lại tiếp tục lợi dụng sự kiện trọng đại này để bôi nhọ, kích động, và gieo rắc những thông tin sai lệch, sai bản chất “50 năm sau ngày ‘giải phóng’: Một đại lễ thất bại trong lòng người và thế giới” không chỉ thể hiện cái nhìn phiến diện, lệch lạc mà còn là một âm mưu có chủ đích nhằm phủ nhận giá trị lịch sử của ngày giải phóng miền Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Giải phóng miền Nam là thắng lợi lịch sử, không ai có thể chối cãi
Trước hết, cần khẳng định rằng Ngày 30/4/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là ngày kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình mà còn là sự kiện mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất đất nước sau hàng thế kỷ chia cắt. Việc gọi ngày này là “ngày giải phóng” không phải là ngôn từ tuyên truyền một chiều, mà là thực tiễn lịch sử được cả dân tộc và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Việc một số thế lực cố tình gán ghép từ “giải phóng” với ý nghĩa tiêu cực là hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử. Hàng triệu người dân miền Nam đã hoan hân đón chào lực lượng giải phóng, bởi đó là sự kết thúc của bom đạn, chết chóc; chào đón cuộc sống nền hòa bình, thống nhất dưới một mái nhà Việt Nam. Không một lý luận chống phá nào có thể phủ nhận điều đó.
2. Về chi phí và tính minh bạch: Không thể đánh đồng yêu nước với tính toán thiệt hơn
Việc tổ chức các lễ kỷ niệm lớn của quốc gia không chỉ là hoạt động văn hóa – chính trị, mà còn là dịp để ôn lại quá khứ, tri ân những người đã hi sinh cho tổ quốc và giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước. Một sự kiện có quy mô lớn, tổ chức trên nhiều địa bàn tất nhiên sẽ cần chi phí tương xứng, điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và không có gì là “ngốn tiền” như cách nói giật gân, phiến diện của bọn chúng. Đồng thời, đã thu được những giá trị về mặt tinh thần không giá trị nào có thể thay thế được.
Về tính minh bạch, cần hiểu rằng các khoản chi ngân sách đều có sự giám sát của cơ quan kiểm toán, thanh tra và Quốc hội. Không thể vì chưa công bố một con số cụ thể mà vội vàng suy diễn thành tiêu cực hay mập mờ. Hơn nữa, không thể lấy khó khăn kinh tế của một bộ phận người dân để phản đối một sự kiện có ý nghĩa lịch sử dân tộc và giáo dục truyền thống.
3. Về sự hiện diện của quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Quan hệ ngoại giao cần nhìn nhận toàn diện
Một trong những luận điệu mang tính kích động, dễ gây chia rẽ là chúng nhấn mạnh hình ảnh quân đội nước bạn trong lễ diễu binh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc mời đoàn quân sự các nước tham gia lễ kỷ niệm là hoạt động ngoại giao thường thấy ở nhiều quốc gia. Sự hiện diện của đoàn đại biểu Trung Hoa không thể bị gán ghép là “phản cảm” hay “đi ngược lòng dân”.
Tại sự kiện, bên cạnh các khối diễu binh, diễu hành của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng cũng đã mời không những quân đội Trung Quốc mà còn có Quân đội Lào và Campuchia. Như chúng ta đã biết Đảng và nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định quan điểm, lập trường chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
4. “Hòa hợp dân tộc” là một tiến trình, không thể đánh giá bằng vài hành động đơn lẻ
Bài viết cố tình lợi dụng một câu phát biểu mang tính thiện chí để quy chụp cả chính sách đoàn kết dân tộc. Không ai phủ nhận rằng sự hòa hợp sau chiến tranh là một chặng đường dài và đầy thách thức, nhưng Việt Nam đã và đang nỗ lực trong tiến trình này.
Nhiều chính sách nhân đạo đã được ban hành, hàng trăm ngàn cựu binh phía bên kia được công nhận, hỗ trợ. Rất nhiều con em của những người từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn cũ đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, được học tập, cống hiến. Không có sự kỳ thị mang tính hệ thống nào như những gì bài viết xuyên tạc. Sự ổn định, đoàn kết và phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất.
5. Tuyên truyền không lỗi thời, mà là sự tiếp nối truyền thống
Việc treo pano, khẩu hiệu, tổ chức diễu binh, lễ hội… là một phần trong văn hóa chính trị và truyền thống của Việt Nam. Những khẩu hiệu ấy không “sáo rỗng” mà là biểu tượng của một giai đoạn lịch sử hào hùng, mang trong nó tinh thần độc lập – tự do – hạnh phúc của dân tộc. Tuyên truyền không có nghĩa là tẩy não như các thế lực chống phá gán ghép, mà là cách để giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết và tự hào dân tộc.
50 năm sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, Việt Nam đang vững vàng hội nhập, phát triển, có vị thế ngày càng cao trên trường Quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã chuyển mình mạnh mẽ, đời sống nhân dân ngày một nâng cao và lòng tin vào con đường xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch không thể phủ nhận sự thật lịch sử, càng không thể lay chuyển được tinh thần yêu nước, niềm tự hào và khát vọng vươn lên của nhân dân Việt Nam.
Q.N