“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là mối quan hệ lớn, khăng khít, không thể tách rời. Ở đó, Đảng thể hiện vai trò lãnh đạ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/05/vai-tro-lanh-ao-cua-ang-trong-bai-viet.html
“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là mối quan hệ lớn, khăng khít, không thể tách rời. Ở đó, Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua đường lối, chủ trương, được thể chế hóa trong pháp luật của Nhà nước, và pháp luật là công cụ được Nhà nước sử dụng để quản lý xã hội. Tất cả những cơ chế này đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân”[1] .
Tại nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một dấu mốc, bước chuyển quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bài viết đã tạo ra luồng gió mới, sinh khí mới để thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng nhắc đến việc phải kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước: “Đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là biện pháp, cách thức để thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta đã được xác định trong Điều lệ Đảng: "Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản"”. Đây là một điểm mấu chốt trong lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước phải là hai mặt không thể tách rời nhưng cần có sự phân định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm. Đảng cầm quyền, định hướng và đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách; Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách thành pháp luật và quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Sự kết hợp hài hòa này sẽ giúp tránh tình trạng Đảng bao biện làm thay Nhà nước, hoặc Nhà nước tách rời sự lãnh đạo của Đảng.
Bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và sự cần thiết của “pháp trị” là rất quan trọng. Điều này cũng góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu. Là nguyện vọng và sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Lan Anh - Tổng hợp
Trích bài viết “Phát huy vị trí, vai trò của Đảng, Nhà nước, Nhân dân trong xây dựng và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đăng trên tạp chí Đảng cộng sản, ngày 26/11/2024.