Cần hiểu đúng quy định việc sử dụng pháo hoa: Coi chừng hiểu nhầm!
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, nhiều người hiểu nhầm, chưa phân biệt được các loại pháo và các trường hợp nào có thể sử dụng pháo hoa đ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2021/01/can-hieu-ung-quy-inh-viec-su-dung-phao.html
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, nhiều người hiểu nhầm, chưa phân biệt được các loại pháo và các trường hợp nào có thể sử dụng pháo hoa đúng theo quy định. Từ những mơ hồ đó, nhiều người rất dễ vi phạm pháp luật khi sử dụng pháo hoa. Trong đó, lưu ý nhất là cần phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ để áp dụng đúng quy định. Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn pháo hoa nổ là loại pháo nổ có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại pháo này có chứa chất nổ, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người.
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Đáng chú ý, một nội dung trong Nghị định 137 được nhiều người dân quan tâm là việc cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin này tỏ ra ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự.
Như vậy, người dân cần nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép, chỉ được mua pháo hoa từ tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra.... Bên cạnh đó, cần phối hợp với lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh pháo hoa được cấp phép, xử lý nghiêm hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, sử dụng trái phép pháo nổ.
L.H