Công cụ chống tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội
Thời gian qua, nhiều tài khoản cá nhân, trang mạng xã hội đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, thiên tai đăng các tin tức giả, gây hoang mang dư...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2021/01/cong-cu-chong-tin-gia-tin-sai-su-that.html
Thời gian qua, nhiều tài khoản cá nhân, trang mạng xã hội đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, thiên tai đăng các tin tức giả, gây hoang mang dư luận. Các tin giả này thường được thể hiện qua các tin tức giật gân, gây sốc về dịch bệnh, một sự cố, tai nạn, hình ảnh thương tâm (đôi khi trong đó chỉ có một phần sự thật hoặc bịa đặt toàn bộ). Bên cạnh đó, trên một số tài khoản mạng xã hội còn đăng tải các bản tin được sản xuất công phu, chuyên nghiệp, giống như bản tin của các kênh truyền hình, báo chính thống... nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước (như các tài khoản Facebook: Bích Thủy TV, Trương Châu Hữu Danh...). Nguy hiểm hơn, các tin giả này được thực hiện khá tinh vi, xen kẽ với những thông tin chính thống, sự kiện thời sự, kèm bài bình luận khiến người xem không tinh ý sẽ hiểu không đúng về những cá nhân, tổ chức được nhắc tới; hiểu sai về bản chất sự việc, dễ hình thành suy nghĩ tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước. Hiện nay, mạng xã hội là môi trường phát tán nhiều tin giả nhất, tác động lớn đến tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng. Công chúng dễ bị thu hút, quan tâm và chia sẻ những tin tức giật gân hay một vấn đề nóng nào đó. Một thực trạng hiện nay cho thấy người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin thường không cẩn trọng phán xét đúng đắn trước những tiêu đề, nội dung câu chuyện được chia sẻ, không kiểm chứng thông tin trước khi bình luận hay chia sẻ. Thậm chí, có người dùng chỉ đọc tiêu đề một tin tức nào đó được chia sẻ mà không cần xem nội dung cụ thể. Điển hình như vừa qua cư dân mạng tỏ ra hết sức quan tâm về một nhân vật có tên Nguyễn Bích Thủy, chủ nhân của kênh Bích Thủy TV chuyên đăng tải những vụ việc liên quan đến kiện cáo, những hình ảnh, clip để gây rối và tấn công hạ uy tín lực lượng Công an. Bằng việc gắn lên mình vỏ bọc “chống tiêu cực” Nguyễn Bích Thủy nổi lên như một hiện tượng khi đi đâu cũng xưng danh nhà báo, hết mạo danh nhà báo này đến báo khác để đe dọa, tố cáo, kênh Bích Thủy TV thành lập không lâu nhưng có số người đăng ký và xem rất khủng.
Để ngăn chặn, phát hiện và kịp thời gỡ bỏ, không để tin giả lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh mạng nói riêng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước nói chung, nhất là trong dịp diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ngày 12/01/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (tingia.gov.vn). Trung tâm này có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực. Trung tâm sẽ chủ động phát hiện nội dung có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, gắn nhãn và cảnh báo người dùng; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Tin giả sẽ được gắn nhãn "Tin giả"; tin sai sự thật hoặc sai sự thật một phần sẽ được gắn nhãn "Tin sai sự thật". Tin được cơ quan chức năng kết luận là đúng sự thật thì được gắn nhãn Tin xác thực. Trung tâm có 4 chuyên mục chính: Tiếp nhận tin phản ánh; Công bố tin giả; Thống kê tin giả; Tin tức.
Ngoài ra, trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng mạng xã hội trước hết cần trở thành “người đọc thông thái” với trách nhiệm công dân thật sự đầy đủ trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin. Mỗi “cư dân mạng” cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật, thật sự trở thành một phần của “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại.
L.H