Chính sách hoàng lương cho những người từng lầm lỗi
Thời gian qua công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù luôn được các cấp, cá...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2021/06/chinh-sach-hoang-luong-cho-nhung-nguoi.html
Thời gian qua công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Công tác trên đã và đang trở thành điểm sáng trong việc thực hiện chính sách nhân quyền, phù hợp với Hiến chương, Tuyên ngôn và các Công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.
Tại Việt Nam, trước khi Luật thi hành án hình sự năm 2010 (được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011), công tác tái hòa nhập cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Từ khi có Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và sau này là Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa Luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nhằm đưa các chính sách này đi vào thực tiễn, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.
Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù bước đầu đã đi vào thực tiễn
Tại Long An, trong năm 2019 – 2020, các sở, ngành tỉnh thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động; trong đó, đặt biệt quan tâm đến người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, khuyến khích họ đăng ký tham gia tìm việc hoặc đăng ký học nghề, cụ thể: Tư vấn giới thiệu việc làm cho 935 người trong tổng số 1.538 người chấp hành xong án phạt tù đang quản lý (trong đó, năm 2020 là 414 người). Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An phối hợp Trại giam Công an tỉnh, Trại giam Thạnh Hòa tổ chức 05 cuộc tư vấn nghề, tư vấn việc làm cho 786 người sắp mãn hạn tù.
UBND tỉnh ban hành định mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và thường xuyên cho người lao động thực hiện theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó việc đào tạo nghề cho người mãn hạn tù tại các địa phương được triển khai lồng ghép vào các lớp dạy nghề thuộc các chương trình, đề án đào tạo nghề cho lao động thôn hàng năm. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với trại giam tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người sắp mãn hạn tù. Năm 2019 – 2020, đã phối hợp tổ chức 08 lớp với 456 học viên. Trong đó, phối hợp với Trại giam Thạnh Hòa tổ chức 04 lớp dạy nghề sơ cấp cho 280 học viên (nghề may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng), phối hợp với Trại giam Long Hòa tổ chức 04 lớp với 176 học viên (nghề may công nghiệp, hàn, điện công nghiệp, điện lạnh).
Bên cạnh đó, người chấp hành xong án tù trở về địa phương nếu có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm được UBND xã, các ban ngành đoàn thể quan tâm giúp đỡ, xét vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các Ngân hàng khác. Năm 2020, có 09 trường hợp được xét cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền 110 triệu đồng (trong đó, Thành phố Tân An có 02 trường hợp, với số tiền 40 triệu đồng; Tân Trụ có 07 trường hợp, với số tiền 70 triệu đồng).
Với quan điểm không phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, công tác trợ giúp, bảo trợ xã hội được tỉnh Long An quan tâm, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho người chấp hành xong án phạt tù nhằm giúp họ ổn định cuộc sống. Năm 2020, tiếp nhận 02 trường hợp giải quyết chính sách bảo trợ xã hội diện khuyết tật nặng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 02 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập công đồng tại huyện Tân Trụ.
Những kết quả đạt được như trên phần nào đã giúp Long An góp phần cùng cả nước triển khai, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; qua đó, đảm bảo tối ưu quyền con người tại Việt Nam.
Quang Đại