“Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam

Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) là  một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ tron...

Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) là một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Là một biểu hiện của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn, đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khát vọng và niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, đánh đuổi quân xâm lược. Trong cuộc chiến này, rất nhiều gia đình đã có những người thân yêu của mình hiến một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả người chồng và các con ngoài chiến trường; nhiều bà mẹ phải chứng kiến cảnh “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, nhiều bà vợ trẻ chưa được hưởng hạnh phúc vợ chồng trọn vẹn một ngày, rồi góa bụa cả đời... sự hy sinh, mất mát ấy quá lớn khó có ngôn từ nào có thể lột tả được hết. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, họ tự nói với nhau rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và cũng từ đó, như đã thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.
Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội Giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày “Thương binh toàn quốc”.
Năm đầu tiên tổ chức ngày “Thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức để ghi công, tưởng nhớ đến sự xả thân vô giá của những người đã làm cho đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Trong thư, Người viết: “Đang khi đất nước lâm nguy, độc lập tự do của Tổ quốc bị đe dọa, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ của chúng ta hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Trong số họ, người may mắn trở về, dù tàn phế nhưng vẫn còn cơ hội nhìn thấy những người thân; người không may mắn đã vĩnh viễn trở về với đất mẹ... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn sự hy sinh lớn lao và chiến công của họ”. Đồng thời, Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch để giúp các chiến sĩ bị thương. Từ tháng 7/1955, “Ngày thương binh” được đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, thống nhất tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của Nhân dân, Đảng và Nhà nước đã và đang không ngừng hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng. 74 năm đã trôi qua cho thấy, chính sách ưu đãi và chăm sóc người có công là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là Ngày thương binh liệt sĩ. Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 29/8/1994 là cơ sở pháp lý vững chắc, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ nhiều lần cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước qua từng thời kỳ, gần đây nhất Pháp lệnh được sửa đổi vào năm 2020 và đã được đổi tên thành “Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng” (chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2021). Trong đó, đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công và có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, cùng với những việc làm thiết thực đã phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành một nét đẹp tinh thần trong đời sống văn hoá của người Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Có thể thấy các chủ trương, chính sách nhân đạo, phù hợp của Đảng và Nhà nước như xã hội hoá công tác chăm sóc người có công đã phát huy được nội lực và là giải pháp cơ bản, hiệu quả trong việc huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng với những chương trình hành động thiết thực như xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, truy tìm đồng đội... đã, đang và sẽ ngày một phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Tấm lòng và những hoạt động đó không chỉ làm dịu đi phần nào nỗi đau trong họ, mà còn góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển.
Để làm giàu và lan tỏa thêm truyền thống, đạo lý tốt đẹp ấy, các cơ quan chức năng, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và sự tri ân những hy sinh, cống hiến của lớp lớp thế hệ cha anh đối với Tổ quốc. Các cơ quan truyền thông đã xây dựng, tổ chức nhiều phim tài liệu, phóng sự truyền hình, chuyên trang, chuyên mục và bài viết tuyên truyền tới quần chúng Nhân dân về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tôn vinh những tấm gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
74 năm đã trôi qua, 27/7 là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kính cẩn nghiên mình tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do Tổ quốc. Đây cũng là dịp để mỗi người nhìn lại và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.
Đại Minh - tổng hợp

Related

Cuộc sống 7413187159627425628

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item