Không mất cảnh giác, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Hiện nay, Chúng ta đang dần chuyển trạng thái từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Các...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/02/khong-mat-canh-giac-lo-la-trong-phong.html
Hiện nay, Chúng ta đang dần chuyển trạng thái từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, cho dù dịch bệnh đã được cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để tự bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và an toàn cho xã hội. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K cùng ý thức của mỗi người sẽ là căn cơ cho phòng, chống dịch. Số ca nhiễm mới mỗi ngày có xu hướng giảm xuống, số ca ra viện tăng. Tại một số địa phương, khi dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dần được khôi phục.
Những kết quả đó thực sự không dễ gì có được, mà là sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân, là mồ hôi, xương máu của lực lượng tuyến đầu. Kết quả đó vẫn chưa thực sự chắc chắn bởi chúng ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Trong tình hình như vậy, nếu chủ quan, thiếu cảnh giác thì “một con sâu cũng sẽ làm rầu nồi canh” đe dọa đến thành quả kỳ công mà đất nước chúng ta đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hiện nay với các biến chủng mới “siêu lây nhiễm” Delta, Omicron… là thách thức lớn cho ngành y, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của toàn dân.
Trong “trạng thái bình thường mới”, một số hoạt động đang dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu như nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người… của bản thân. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch. Ý thức với bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch.
Tuy nhiên thực trạng hiện nay, có một bộ phận người dân sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là, tự tin cơ thể đã miễn dịch, virus không thể tấn công nên không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa y tế, ngay cả khi sinh hoạt hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao; thậm chí chê bai người khác khi thấy họ nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 5K. Việc thường xuyên chứng kiến các ca mắc mới được điều trị khỏi bệnh cũng khiến một số người bắt đầu có thái độ coi thường bệnh dịch, coi Covid-19 chỉ là một dạng cúm mùa, không có gì đáng sợ, không cần phải ngăn ngừa, đề phòng! Cá biệt có người lại muốn bị mắc bệnh cho xong, vì cho rằng đã mắc bệnh rồi thì rất ít nguy cơ tái nhiễm, bản thân không cần phải lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh nữa. Những nhận thức, suy nghĩ, hành xử thiếu suy nghĩ và tiêu cực như vậy đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, bất luận trong điều kiện nào thì trên thực tế, nếu không tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, người tiêm đủ hai liều vắc-xin, thậm chí ngay cả khi đã tiêm mũi vắc-xin tăng cường vẫn có thể nhiễm bệnh. Việc thêm người bị mắc Covid-19 sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế ở địa phương, chính quyền cơ sở, bản thân người mắc F0 sẽ gặp không ít phiền hà, bất cập trong sinh hoạt, sức khỏe bị suy giảm. Những nghiên cứu công bố thời gian qua cho thấy, người từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm, khi đó hậu quả là rất khó lường. Đối với trường hợp người đã tiêm đủ vắc-xin dù không bị mắc Covid-19, vẫn có thể trở thành trung gian lây bệnh sang người khác, mà cận kề nhất chính là người thân trong gia đình, đồng nghiệp cùng cơ quan, đơn vị.
Vì vậy, trước nguy cơ mới của dịch bệnh mỗi người dân cần phát huy tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, những hành vi có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoạt động giao thương quốc tế diễn ra, nguy cơ dịch bệnh ngày càng cao hơn. Các hành vi vi phạm cần bị xử lý nghiêm. Chúng ta tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, Việt Nam sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19, sức khỏe của cộng đồng được bảo đảm, các hoạt động kinh tế-xã hội từng bước được phục hồi./.
N.H