Về quyền con người trong Dự án “Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ”
Tại Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ” do Bộ Côn...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/04/ve-quyen-con-nguoi-trong-du-luat-trat.html
Tại Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ” do Bộ Công an tổ chức chiều 14/3/2022, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Từ góc độ này, tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, quy định về quyền con người trong Hiến pháp, Pháp luật quốc gia vào quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ. Cùng nội dung trên, PGS.TS Tường Duy Kiên nêu lên một số kiến nghị tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ, trong đó, cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông; cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, cũng như quán triệt và vận dụng đúng quy định về hạn chế quyền con người theo khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Từ góc độ tiếp cận quyền con người, Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã có nhiều quy định để đảm bảo cho trẻ em và nhóm người yếu thế được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ khi tham gia giao thông, gồm:
- Luật quy định quy tắc chung cơ bản: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp, trẻ em, người già và người khuyết tật.
- Luật dành riêng 01 điều để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông. Trong đó, đối với người khuyết tật, già yếu, trẻ em đã đặc biệt được quan tâm. Với những quy định rất nhân văn dành cho trẻ em, người khiếm thị, người mắc bệnh tâm thần, hạn chế về mặt trí tuệ phải có người dắt khi qua đường hoặc khi tham gia giao thông. Mọi người đều phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Quy định này xuất phát từ đạo nghĩa, từ ý thức nhân văn của người Việt Nam và phù hợp với công ước Quốc tế về giao thông đường bộ (Công ước Viên năm 1968).
- Luật bắt buộc người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn không chỉ tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, mà tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, nếu quan sát thấy người đi bộ hoặc nhóm người yếu thế đi qua đường thì cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho họ.
- Ngay đối với trường hợp nơi có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy được đi, người điều khiển phương tiện cũng phải chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường.
- Với quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tạo lái xe”, Luật cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật và cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của ngành Y tế. Quy định này được xem là tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển phương tiện dành cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người yếu thế khi tham gia giao thông. Không chỉ với mô tô, hiện nay trên thế giới đã phát triển rất nhiều loại xe dành cho người khuyết tật trong đó có các phương tiện ô tô có thiết kế phù hợp.
- Luật cũng đề ra hàng loạt quy định về bảo vệ trẻ em, gồm: Quy định việc không để trẻ em ngồi hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em. Kết hợp với các quy định khác về quy tắc tham gia giao thông đường bộ, không chỉ là việc tiếp thu quy định của Công ước Viên năm 1968, mà còn đặt trẻ em, thế hệ tương lai vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.
Tiếp cận quyền con người trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc kế thừa, xây dựng một Luật riêng về TTATGT có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi ở đó, quy định cụ thể quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Đây là Điều mà Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sau hơn 13 năm chưa đáp ứng được. Bên cạnh, việc cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông, nhiệm vụ của lực lượng Công an trong thực thi công vụ từ khâu tin báo, đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc cũng được quy định cụ thể, rõ ràn, đảm bảo bảo tính khách quan, công khai minh bạch. Do đó Dự thảo Luật TTATGT đường bộ được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và người tham gia giao thông một cách nề nếp và bền vững hơn./.
Minh Anh