Vấn nạn của quảng cáo trực tuyến hiện nay
Trong thời đại công nghệ số ngày nay thì sự phát triển của Quảng cáo trực tuyến là rất mạng mẽ, sự thuận tiện của nó đã giúp người tiêu dù...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/06/van-nan-cua-quang-cao-truc-tuyen-hien.html
Trong thời đại công nghệ số ngày nay thì sự phát triển của Quảng cáo trực tuyến là rất mạng mẽ, sự thuận tiện của nó đã giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận với sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo và gia tăng doanh số bán hàng so với các hình thức quảng cáo truyền thống khác. Tuy nhiên, nhiều vụ xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo thương mại trực tuyến gần đây đã đặt ra vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, đó là tính hiệu quả của việc kiểm soát hoạt động này và khả năng áp dụng quy định pháp luật thực tại.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông thì hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Doanh thu khổng lồ hằng năm của quảng cáo trực tuyến phần nào cho thấy sự phổ biến cũng như tốc độ tăng trưởng và “sức mạnh” của loại hình quảng cáo này. Theo số liệu từ báo cáo thị trường Quảng cáo trực tuyến do Adsota (là công ty quảng cáo trực thuộc Appota, cung cấp nền tảng quảng cáo trên di động) thực hiện, mức chi của các thương hiệu tại Việt Nam cho quảng cáo trực tuyến tăng đều qua mỗi năm. Cụ thể, năm 2019 là 22,5%, đến năm 2020 tăng lên 23,4% và năm 2021, dự kiến năm 2022 là 24,2% và 24,7%.
Có thể thấy trong thời đại công nghệ 4.0, mọi lĩnh vực, ngành nghề đều chuyển dịch theo hướng khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ số, và quảng cáo không phải là ngoại lệ. Xuất hiện như một tất yếu khách quan, quảng cáo trực tuyến phản ánh nhu cầu cũng như xu hướng của người sử dụng hiện đại. Đồng thời, với khả năng tương tác cao, không thể phủ nhận các hiệu quả tích cực của quảng cáo trực tuyến, nhất là với các nhãn hàng, doanh nghiệp. Hơn nữa, việc quảng cáo trên các kênh truyền thống thường đòi hỏi chi phí cao hơn so với quảng cáo trên nền tảng số cũng là một trong những lý do thúc đẩy sự bùng nổ của quảng cáo trực tuyến.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, thời gian gần đây ở Việt Nam, nhiều quảng cáo trực tuyến đang làm cho người tiêu dùng khó chịu, bất bình và phản ứng. Cụ thể, trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook,… quảng cáo trực tuyến thường xuất hiện chen vào giữa nội dung với tần suất dày đặc của các clip với những hình ảnh phản cảm, đoạn clip rao bán thuốc nam, thực phẩm chức năng, thuốc chữa yếu sinh lý, tăng ham muốn tình dục,… Đặc biệt, nguy hại hơn nữa là các đoạn clip quảng cáo được chèn vô tội vạ vào các video clip dành cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên với thời lượng khá dài, gây phản cảm và ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và tâm sinh lý của trẻ em. Không chỉ quảng cáo tràn lan với các hình thức khiến người xem khó chịu, nội dung của nhiều quảng cáo trực tuyến còn nhảm nhí, không đúng sự thật, thổi phồng công dụng quá mức, gây hậu quả khôn lường. Để gây uy tín đối với người tiếp xúc, một số quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng lấy danh nghĩa các bệnh viện lớn (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Dinh dưỡng Trung ương,…), đăng cả logo, hình ảnh người tự giới thiệu là bác sĩ của các bệnh viện này vừa ca ngợi thuốc vừa tư vấn về sức khỏe, sau đó mời chào mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng. Có thể nói, quảng cáo trực tuyến là môi trường để khai thác đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, có một số youtuber, facebooker… đăng ký hợp đồng với bên thứ ba là các Công ty chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam để phát triển kênh của mình là kênh giải trí nhằm mục đích quảng cáo trực tuyến, để có thể phát triển kênh thì các youtuber, facebooker này liên tục xây dựng, cập nhật những video clip mới nhằm mục đích thu hút lượng người đăng ký, lượt người xem càng cao càng có giá trị, càng được trả nhiều tiền thông qua việc lồng ghép các đoạn video clip quảng cáo. Có những youtuber, facebooker vì lợi nhuận mà bất chấp qui định pháp luật biên tập hàng loạt các video clip mang nội dung nhảm nhí, giật gân, sai sự thật gây dư luận xấu trong xã hội điển hình như: Hướng dẫn cách điều trị bệnh Covid-19 tại nhà; mê tín, dị đoan; hướng dẫn chế tạo vũ khí gây sát thương;…
Có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đáng lo ngại này là những lỗ hổng trong quản lý, kiểm duyệt nội dung trên nền tảng trực tuyến. Dẫn đầu về thị phần, doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là hai nền tảng xuyên biên giới: Facebook và Google. Cả hai nền tảng này đều áp dụng cơ chế hậu kiểm với rất nhiều bất cập như: thiếu chặt chẽ, không có sự phối hợp với cơ quan chức năng trước khi đưa nội dung quảng cáo lên phương tiện điện tử...Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thực trạng “rác” quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng trực tuyến việc yêu cầu gỡ bỏ đối với Facebook hay Youtube khá gian nan, một phần vì họ không có trụ sở tại Việt Nam, nên vấn đề then chốt là phải phát hiện được những đơn vị gom quảng cáo của doanh nghiệp (tức “đại lý” quảng cáo) đưa lên các nền tảng trực tuyến. Sau đó, yêu cầu những đơn vị này chỉ nhận các quảng cáo đã được cơ quan chức năng duyệt nội dung và cấp phép.
Do đó, người dân chúng ta cần phải hết sức cảnh giác và có một cách nhìn đúng đắn, đúng pháp luật về quảng cáo, khai thác, xem những nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội có chọn lọc để tránh bị lôi cuốn vào những chiêu trò lừa đảo từ những đối tượng xấu lợi dụng quảng cáo trực tuyến nhằm mục đích trục lợi.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường hiệu quả phát hiện và xử lý sai phạm, cần quy định cụ thể, thống nhất, đồng bộ một số điều khoản về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong Luật Quảng cáo cũng như các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Đồng thời, tăng mức xử phạt, thậm chí tùy từng mức độ có thể tính đến xử lý hình sự với những quảng cáo sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP vừa được ban hành quy định tăng nặng mức xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Mạnh tay xử lý vấn nạn “rác” quảng cáo, không chỉ đưa quảng cáo trực tuyến đi đúng hướng, phát huy hiệu quả trên thực tế, bảo vệ người tiêu dùng, mà còn góp phần mang lại sự lành mạnh cho môi trường mạng.
N.H