Luật Cảnh sát cơ động được Quốc hội thông qua
Ngày 14/6/2022, Luật Cảnh sát cơ động được 454/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua (chiếm 91,16% tổng số đại biểu) tại kỳ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2022/07/luat-canh-sat-co-ong-uoc-quoc-hoi-thong.html
Ngày 14/6/2022, Luật Cảnh sát cơ động được 454/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua (chiếm 91,16% tổng số đại biểu) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV. Hiện nay, các vấn đề liên quan đến Cảnh sát cơ động được quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013. Đây là lần đầu tiên có Luật Cảnh sát cơ động và được xem là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại. Trong đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân (CAND), với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong Luật.
Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương, 33 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2023; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động. Bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng Cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân CAND,… bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách. Luật Cảnh sát cơ động là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Luật Cảnh sát cơ động bổ sung thêm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động trong tham gia phối hợp với các lực lượng cảnh sát trong công tác đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, chuyên án có tính chất phức tạp về các lĩnh vực tội phạm như: hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia... Qua đó sẽ góp phần rất lớn trong công tác giữ gìn ANTT.
Cụ thể, tại Điều 9 Luật Cảnh sát cơ động quy định nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là tham mưu với Bộ trưởng Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động. Xây dựng, huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến, phương án tuần tra kiểm soát, bảo vệ mục tiêu theo chức năng của Cảnh sát cơ động. Thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối ANTT, biểu tình trái pháp luật. Vũ trang bảo vệ mục tiêu, sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt. Tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANTT, an toàn xã hội; tham gia thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật...
Việc quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được ghi nhận thành Luật Cảnh sát cơ động cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đối với sự phát triển của một trong những lực lượng nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của Cảnh sát cơ động. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
N.H