Đội ngũ văn nghệ sĩ trong gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chiến lược, định hướng lớn của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Để hoàn thàn...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2023/05/oi-ngu-van-nghe-si-trong-gin-giu-lan.html
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chiến lược, định hướng lớn của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Để hoàn thành chiến lược nói trên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cổ vũ, lan tỏa và đưa các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống.
Văn nghệ sĩ là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa. Không chỉ tác phẩm mà cả lối sống, phát ngôn… của họ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo tầng lớp nhân dân. Nhận ra vai trò và sứ mệnh vô cùng to lớn của văn nghệ sĩ - lực lượng tinh hoa trong xã hội, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”. Qua mỗi chặng đường của cách mạng Việt Nam, Đảng ta cũng đã nhận rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là nhận ra yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để các tầng lớp tinh hoa của dân tộc đem tài năng, trí tuệ và nhiệt tình yêu nước của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dùng văn chương nghệ thuật là vũ khí để tạo nên sức mạnh vũ bão cho các đoàn quân. Còn nhớ “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn năm xưa đã hiệu triệu được toàn quân đồng sức, chung lòng quyết tâm đánh giặc, bảo vệ bờ cõi quốc gia. Một áng văn chính luận đanh thép, vẻn vẹn có vài ngàn từ nhưng đã có sức lay động, cổ vũ, khích lệ toàn quân, khiến cho muôn người như một, quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Những chiến thắng vang dội sau đó chính là minh chứng cho sức mạnh hơn cả triệu gươm đao của bài hịch… Cũng trên trận tuyến đánh quân thù, bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt cũng có sức công phá ghê gớm, được ví như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền, bảo vệ biên giới lãnh thổ bằng chính những vần thơ bất hủ. Lý Thường Kiệt đã “thổi” vào đó sức mạnh đoàn kết, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn quân và dân ta, làm khiếp đảm tinh thần quân địch.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, nhiều mất mát, hy sinh của dân tộc ta là kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cũng nhờ có văn nghệ sĩ luôn đồng hành cùng dân tộc, dũng cảm hy sinh, xung kích trong mặt trận tư tưởng, tạo ra hàng ngàn tác phẩm cổ vũ, khích lệ để toàn dân, toàn quân sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, tạo nên những thắng lợi vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với môi trường sáng tạo mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các văn nghệ sĩ có nhiều điều kiện để sáng tạo, được cổ vũ, động viên kịp thời, chưa bao giờ văn học nghệ thuật lại nở rộ và có một "gương mặt" phong phú như hiện nay. Hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm thực sự trở thành những “giai điệu tự hào” vang vọng, cổ vũ bao thế hệ người Việt Nam lao động, cống hiến dựng xây đất nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Đảng ta nhận định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực xây dựng và phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam”. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) cũng khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”. Những tác phẩm mà văn nghệ sĩ sáng tạo nên không chỉ là tài sản, là báu vật tinh thần, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của quần chúng nhân dân mà cao hơn, văn học, nghệ thuật còn định hướng, dẫn dắt nhân dân hướng tới những giá trị cao quý, những tương lai tươi sáng và những khát vọng chân chính.
Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ luôn khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ luôn xung kích trên trận tuyến chống thù mà văn nghệ sĩ với sứ mệnh cao cả, luôn đồng hành, cổ vũ, động viên nhân dân lao động, sáng tạo, hướng tới chân - thiện - mỹ, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng chính là mục tiêu, là khát vọng cao nhất mà dân tộc ta luôn hướng tới. Và để hoàn thành chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lan tỏa và đưa các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống.
Quang Đại (tổng hợp)