Lợi dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là vi phạm pháp luật.
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… xuất hiện tràn lan các video, bài viết, bình luận dù chưa có thông ...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/03/loi-dung-mang-xa-hoi-ang-tai-thong-tin.html
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… xuất hiện tràn lan các video, bài viết, bình luận dù chưa có thông tin đầy đủ, chưa nắm rõ bản chất sự việc, chỉ mới căn cứ vào một vài nguồn tin không chính thống, nhưng đã vội vàng chia sẻ, phát tán “tin nóng”, gián tiếp khẳng định tính xác thực của sự việc mà bản thân cũng không biết rõ đúng hay sai. Điển hình, mới đây nhất vụ việc ô tô va chạm với 01 xe máy đang dừng sát vỉa hè trên phố Trần Cung (quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội) sau đó, nữ tài xế ôtô và nam thanh niên điều khiển xe máy đã xảy ra cãi vã và nữ tài xế ô tô tự xưng “cháu lãnh đạo Bộ Công an”, khiến nhiều người dân hiếu kỳ, đứng xem và phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Công an Tp Hà Nội sau đó đến giải quyết, kiểm tra nồng độ cồn với nữ tài xế ô tô, Công an xác định nữ tài xế là bà Lương Hồng Trang vi phạm ở mức 0,573 mg/l khí thở, còn nam thanh niên đi xe máy không vi phạm nồng độ cồn. Sau khi sự việc xảy ra, Công an Tp Hà Nội đã có thông tin chính thức về vụ việc và khẳng định bà Lương Hồng Trang không có bất kỳ quan hệ gì với Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều đáng nói là dù Công an Tp Hà Nội đã tích cực vào cuộc, điều tra, làm rõ vụ việc, cung cấp thông tin kịp thời tới báo chí đăng tải thông tin rõ ràng thì vẫn có một số cá nhân nhất quyết với “thuyết âm mưu” rằng sự thật đang bị che giấu, ngụy tạo và thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch theo ý chủ quan, bất chấp sự thật đang diễn ra trước mắt. Qua kiểm tra, xác minh Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Tp Hà Nội phát hiện tài khoản Facebook của V.S.T. đăng tải nội dung: "Đã xác định chị đại được cho là con cháu Bộ trưởng T.L. Họ tên TO Lan Hương, bài báo lại viết ngược tên là L.H.T. Người gây tai nạn và được công an bảo vệ như vị vua vị tướng đây ạ mà dân bức xúc nhất, có link fb ở dưới ạ". Đây là thông tin sai sự thật về người vi phạm trong vụ va chạm giao thông, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lãnh đạo Bộ Công an và Công an Tp Hà Nội.
Đến ngày 10/3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ và Công an huyện Thanh Oai (Tp Hà Nội) đã mời V.S.T. đến cơ quan Công an làm việc. Tại cơ quan Công an, người này đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Ngày 11/3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Tp Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng với V.S.T. (38 tuổi, trú Thanh Oai, Hà Nội) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Cùng với đó, bà Lương Hồng Trang với lỗi vi phạm nêu trên phải chịu hình thức xử phạt hành chính với tổng số tiền là 35 triệu đồng do chủ tịch UBND Tp Hà Nội ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính (ngày 12/3/2024) về hành vi điều khiển ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn và bị tước quyền sử dụng bằng lái xe hạng B1 thời hạn 23 tháng, kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Qua đó cho thấy Internet với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối Internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Twittet…trong đó, phổ biến nhất là Facebook và Tiktok, đem lại rất nhiều tiện ích nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt.
Điều hết sức quan trọng là phải thấy được tính hai mặt của các trang mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá, không biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân để rồi trở thành nạn nhân của tin giả và tiếp tay cho tin giả. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cá nhân phải thận trọng, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, nhất là liên quan đến các vụ việc phức tạp đang xảy ra và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Cùng với đó, mỗi cá nhân cần biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, khiêu khích, lôi kéo, chưa được kiểm chứng,…Thực tế này cho thấy việc kiểm chứng thông tin là yêu cầu có tính cấp bách hiện nay, nếu không được tiếp cận thông tin chính xác, khách quan hậu quả sẽ rất khó lường đối với mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, những hậu quả xảy ra không chỉ ở thế giới ảo mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý cộng đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội./.
Trần Đoàn