Vai trò xây dựng, phát triển văn hoá con người góp phần tạo động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững đất nước.
Nói đến văn hóa là nói đến các giá trị. Văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do cá nhân và cộng đồng sáng tạo ra trong qu...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/02/vai-tro-xay-dung-phat-trien-van-hoa-con.html
Nói đến văn hóa là nói đến các giá trị. Văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do cá nhân và cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của con người. Các giá trị văn hóa dân tộc tồn tại khách quan đối với các thế hệ người được sinh ra. Chẳng hạn, tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng, ý chí bất khuất của dân tộc ta - những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã kết lại thành nền tảng tinh thần cho sự tồn tại của dân tộc. Chúng là lẽ sống của dân tộc, là cơ sở để dân tộc ta khẳng định sự tồn tại của mình trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Theo George F.McLean, Chủ tịch Hội nghiên cứu giá trị và triết học Hoa Kỳ: “mô thức giá trị và đạo đức kiến tạo ra văn hóa, đó là cách thức để bồi dưỡng tâm hồn và chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và thường xuyên được thẩm định, điều chỉnh và tái khẳng định trở thành truyền thống văn hóa...”. Chính vì vậy, truyền thống được bảo vệ và trở thành nền tảng cho cộng đồng xã hội. Các giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam là tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự cường, truyền thống nhân đạo, để cao tính cộng đồng, cần cù, hiếu học, thông minh, trọng nghĩa... tạo thành truyền thống văn hóa của dân tộc. Khi được hình thành, truyền thống văn hóa có chức năng định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Nó chính là bộ gen di truyền văn hóa cho các thế hệ sau, tạo nên sự tiếp nối lịch sử.
Truyền thống văn hóa là cơ sở để tạo lập môi trường văn hóa, môi trường tinh thần của các cá nhân và cộng đồng. Truyền thống văn hóa lan tỏa và thể hiện sâu sắc trong gia đình, làng bản, khu phố, cộng đồng dân cư, và cộng đồng quốc gia – dân tộc, thể hiện trong các tài sản văn hóa vật thể, phi vật thể và trong lối sống của con người. Mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay là hướng tới sự phát triển bền vững đất nước. Nếu kinh tế là cơ sở vật chất của xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa chính là chăm lo vun đắp, xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng, phát triển văn hóa, con người góp phần tạo động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực, là nguồn lực nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vai trò động lực của văn hóa, con người đối với sự phát triển bền vững đất nước được biểu hiện ở ba nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, mọi hoạt động văn hóa xét cho cùng là đều hướng đến phát triển con người về thể lực, trí tuệ, tình cảm, nâng cao kỹ năng lao động sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh và ý chí cho con người trong hoạt động thực tiễn xã hộ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chìa khóa của sự phát triển tập trung ở bốn nhân tố: Nguồn tài nguyên thiên nhiên; Nguồn vốn (tài chính); Trình độ khoa học và công nghệ; Nguồn lực con người (trong sản xuất và quản lý).
Trong đó, nguồn lực con người có ý nghĩa quyết định đến việc sử dụng các nguồn lực khác. Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường đầu tư ngắn nhất và hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia hiện nay đang hướng tới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030”, trong đó nêu rõ một đột phá có ý nghĩa chiến lược để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đất nước là: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Như vậy, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Đảng xác định là đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Nhiệm vụ trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa ở nước ta hiện nay là tập trung vào phát triển con người, đào tạo và bồi dưỡng các thế hệ công dân đáp ứng cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, vai trò động lực của văn hóa, con người đối với sự phát triển bền vững đất nước thể hiện ở tác động của môi trường văn hóa đối với quá trình phát triển. Đất nước ta đang ở trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các hoạt động kinh tế không thể tách rời môi trường văn hóa, môi trường xã hội của dân tộc. Việc tạo lập được môi trường văn hóa lành mạnh dựa trên nền tảng của trình độ dân trí cao, các giá trị và chuẩn mực đạo đức và pháp luật rõ ràng, công khai và minh bạch, giàu tinh thần nhân văn sẽ thu hút được sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội. Môi trường văn hóa này chính là “bà đỡ” cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhân văn, chấp nhận tự do cạnh tranh trên cơ sở tôn trọng pháp lý và đạo lý xã hội, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển. Ngược lại, quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ không thể thực hiện thành công trong môi trường văn hóa bị nhiễu loạn, đạo đức xã hội bị tha hóa và luật pháp bị coi thường. Vì vậy, tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trước hết từ gia đình, nhà trường, thôn xóm, cơ quan, xí nghiệp, công sở v.v. là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Thứ ba, hiện nay, thế giới đã và đang bước vào thời kỳ phát triển kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Dưới tác động của khoa học công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế thị trường toàn cầu, nhiều lĩnh vực sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa đã được “công nghệ hóa”, “kinh tế hóa” và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế thế giới. Sự xuất hiện các khái niệm như “công nghiệp văn hóa”, “công nghiệp giải trí”, “công nghiệp nghe nhìn”, “công nghiệp biểu diễn nghệ thuật”, “công nghiệp điện ảnh”, “thị trường văn hóa phẩm”, “thị trường nghệ thuật”, “dịch vụ văn hóa”, “du lịch văn hóa”... đã cho thấy sự gắn kết giữa yếu tố văn hóa và yếu tố kinh tế, kỹ thuật, công nghệ ngày càng gia tăng.
Ngành công nghiệp giải trí của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia này. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được khai thác mạnh mẽ để phát triển du lịch, dịch vụ. Như vậy, văn hóa đã trở thành nguồn lực trực tiếp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức về vai trò của văn hóa đã được mở rộng, sâu sắc và toàn diện hơn. Văn hóa không chỉ có chức năng nhận thức và giáo dục xã hội mà còn có chức năng kinh tế, tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải thay đổi quan điểm đầu tư cho văn hóa, không phải là đầu tư để “chống xuống cấp” hay “đảm bảo phúc lợi xã hội” mà đầu tư cho phát triển, đầu tư để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Như vậy, trong thời kỳ đổi mới hiện nay, văn hóa không phải là yếu tố đứng bên ngoài mà là yếu tố bên trong, là nguồn lực nội sinh của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm chăm lo cho văn hóa chính là quan tâm đến nền tảng tinh thần, quan tâm đến động lực và nguồn lực của sự phát triển. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa. Bản chất của văn hóa là sự sáng tạo hướng tới các giá trị nhân văn, hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp để nâng đỡ hạnh phúc của con người, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế nhân văn, nền kinh tế vì sự phát triển bền vững của con người. Vì vậy, bản chất của văn hóa thống nhất với mục tiêu phát triển mà chúng ta hướng tới. Đảng và Nhà nước yêu cầu mọi chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải vừa chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu quả văn hóa và xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời phải khắc phục xu hướng chạy theo tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ hoặc hy sinh văn hóa, làm tha hóa con người. Quá trình phát triển nền kinh tế ở nước ta hiện nay đang tái cấu trúc lại theo hướng phát triển nhanh và bền vững, đề cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng cũng chính là nhằm vào mục tiêu văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và môi trường xã hội. Các giá trị của con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quả độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ ra các mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng, trong đó văn hoá được khẳng định là một thành tố cơ bản, là một mục tiêu quan trọng.
Bạch Dương