TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên cả nước có sự phát triển nhanh, bên cạnh những lợi ích do thương mại điện tử đem lại,...
https://datvanguoilongan.blogspot.com/2024/08/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-tren-san.html
Thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên cả nước có sự phát triển nhanh, bên cạnh những lợi ích do thương mại điện tử đem lại, đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng hình thức này để mua bán online, trong đó kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ðặc biệt, có một số đối tượng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… đã cắt ghép, chèn các thông tin, hình ảnh, bài viết, nội dung phát biểu của những người nổi tiếng, như ca sĩ, nghệ sĩ,… để đánh bóng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Khi có khách đặt hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu họ để lại địa chỉ, số điện thoại, sau đó liên hệ tư vấn, chốt đơn hàng rồi sử dụng các dịch vụ vận tải, bưu chính để chuyển hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Theo thống kê của Uỷ ban Canh tranh Quốc gia, thương mại điện tử đang xếp thứ 2 trong 22 nhóm hàng hoá bị người tiêu dùng gửi thông tin khiếu kiện nhiều nhất do hàng hoá không đúng mô tả, doanh nghiệp giải quyết khiếu nại không thỏa đáng hoặc bị người bán hàng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm đầu năm 2024 lực lượng quản lý thị trường cả nước cũng đã kiểm tra, xử lý một số trường hợp đơn cử như:
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang, từ ngày 17/4 – 19/4/2024, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với 02 tổ chức kinh doanh hàng hóa có thiết lập website thương mại điện tử bán hàng có dấu hiệu vi phạm, với hành vi sử dụng website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến để bán hàng mà không thông báo với Bộ Công Thương, vi phạm các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ quy định về thương mại điện tử được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021.
Tại Đà Nẵng, Cục QLTT xử phạt 33 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng có thiết lập website thương mại điện tử bán hàng vi phạm quy định của pháp luật.
Cũng tại Nghệ An, Cục QLTT xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với 2 đơn vị do có hành vi sử dụng website thương mại điện tử bán hàng chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Một thực trạng khác, Tổ Thương mại điện tử của Tổng cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm trên cả nước đối với các nền tảng thương mại điện tử, tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm mà Tổ đã phát hiện, xử lý trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chủ yếu là nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; cung cấp thông tin kinh doanh hàng giả trên môi trường Internet…
Đây mới chỉ là ví dụ một số trường hợp tại các tỉnh thành trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024, nhưng cho thấy một thực trạng đáng báo động về tình hình vi phạm pháp luật trong kinh doanh mua bán hàng hóa trên website thương mại điện tử hiện nay. Điều đáng nói là những vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn, đòi hỏi vai trò tăng cường quản lý của các cơ quan nhà nước.
Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Cơ quan chức năng phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trực tuyến. Từ đó, kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Bên cạnh đó, người dân cần phải cẩn trọng khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử; nên lựa chọn những nền tảng uy tín, đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước; tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân khi tham gia giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.
Tiến
Công