Hiểu đúng và thực hiện hiệu quả Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT: Quản lý dạy thêm, học thêm vì lợi ích học sinh

Dạy thêm, học thêm đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống giáo dục Việt Nam. Đối với nhiều học sinh, đây là cơ hội để củng cố kiế...

Dạy thêm, học thêm đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống giáo dục Việt Nam. Đối với nhiều học sinh, đây là cơ hội để củng cố kiến thức, phát triển năng lực và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Dạy thêm giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức đã học, củng cố những phần còn yếu, từ đó nâng cao hiệu quả học tập, đáp ứng nhu cầu bổ sung kiến thức và nâng cao thành tích học tập của học sinh. Với những học sinh học lực trung bình hoặc chậm tiếp thu, việc được giáo viên kèm cặp sau giờ học là điều rất cần thiết. Trong khi đó, các em có năng lực nổi trội có thể được bồi dưỡng thêm để tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi học bổng, hoặc chuẩn bị cho các chương trình nâng cao. 

Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm thời gian qua phát sinh nhiều dư luận trái chiều, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường, dẫn đến công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn một số khó khăn. Việc ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17 đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý, còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Do vậy, ngày 10/01/2024 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Vì thế, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời nhằm thiết lập khung pháp lý minh bạch cho việc quản lý dạy thêm, học thêm. Thông tư này làm rõ các nguyên tắc, điều kiện và quy trình tổ chức dạy thêm, học thêm, nhất là các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ quyền lợi học sinh và đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Đây không chỉ là một quy định mang tính hành chính mà còn là bước cải cách để tái định hướng triết lý giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Thông tư 29 quy định: Quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các lực lượng cùng tham gia quản lý hoạt động này (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan).
Không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong nhà trường công lập; không tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học các môn văn hóa; không dạy thêm cho học sinh mà giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chính khóa. Những nguyên tắc này góp phần không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên. Điều này đồng thời bảo vệ tính khách quan, công bằng trong đánh giá kết quả học tập và tinh thần tự học của học sinh.
Thông tư còn quy định rõ về việc các cơ sở tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật, công khai học phí, đảm bảo điều kiện giảng dạy, có sự giám sát từ cơ quan chuyên môn và đặc biệt giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp. Mục tiêu là tạo điều kiện cho các hoạt động dạy thêm diễn ra đúng pháp luật, có kiểm soát và mang lại hiệu quả thực chất cho người học, phải bảo đảm quyền lợi của học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Một điểm đáng chú ý là Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thể hiện quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đồng bộ hóa hệ thống giáo dục, đặt học sinh vào vị trí trung tâm, nâng cao đạo đức nghề giáo, làm trong sạch môi trường sư phạm. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ giáo dục nặng thi cử, thành tích sang giáo dục khai phóng, phát triển toàn diện nhân cách và năng lực. Hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm, thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề, học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Cùng với đó, việc triển khai Thông tư đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý địa phương, phụ huynh và xã hội. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là tình trạng dạy thêm không phép, dạy thêm trá hình hay lợi dụng vị trí công tác để lôi kéo, ép buộc học sinh. Các trường học cần chủ động tuyên truyền, phổ biến quy định của Thông tư đến toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh, đồng thời tổ chức đối thoại, lấy ý kiến đóng góp để việc thực thi chính sách đạt hiệu quả cao nhất.
Một yếu tố không thể thiếu là sự vào cuộc của truyền thông. Báo chí cần phát huy vai trò phản biện, phát hiện những biểu hiện sai phạm trong hoạt động dạy thêm, đồng thời lan tỏa các mô hình dạy học hiệu quả, các tấm gương giáo viên không dạy thêm nhưng vẫn giúp học sinh tiến bộ vượt bậc. Khi xã hội nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, cùng đồng thuận và hành động thì mới có thể từng bước xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và thực chất.
Tóm lại, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ra đời để quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm” dạy thêm, học thêm, mà nhằm hướng tới việc chính quy hóa và nhân văn hóa hoạt động này. Một nền giáo dục công bằng, chất lượng và minh bạch không thể để những hoạt động ngoài giờ giảng không rõ ràng tiếp diễn. Đã đến lúc mỗi nhà giáo, mỗi phụ huynh, mỗi cơ quan quản lý và toàn xã hội cần hiểu đúng, đồng hành để Thông tư đi vào cuộc sống với tinh thần vì học sinh thực sự. Khi đó, dạy thêm, học thêm sẽ không còn là vấn nạn mà trở thành một kênh hỗ trợ tích cực cho giáo dục chính quy, giúp học sinh phát triển theo đúng năng lực và nhu cầu của bản thân. 
TH.Vũ 

Related

Chính trị 1693889028950623225

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item