Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bộ Công an Việt Nam: biểu tượng của tinh thần vì hòa bình và nhân đạo
Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò tích cực và có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Nổ...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/05/luc-luong-gin-giu-hoa-binh-lien-hop.html
Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò tích cực và có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Nổi bật trong đó là sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc của Bộ Công an Việt Nam – những chiến sĩ mang trên vai sứ mệnh vì hòa bình nhân loại, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện, trách nhiệm và nhân văn trên trường quốc tế. Đây là minh chứng rõ nét cho hiện thực hóa các cam kết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra với cộng đồng quốc tế trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐUCA ngày 30/10/2020 của Đảng ủy Công an Trung ương về việc Công an nhân dân tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc, ngày 15/6/2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định số 4789/QĐ-BCA thành lập Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB Liên hợp quốc đặt tại Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an. Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB Liên hợp quốc là Cơ quan thường trực, đầu mối, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an trong việc chỉ huy, chỉ đạo điều hành lực lượng Công an nhân dân tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc. Ngay sau khi thành lập, Văn phòng thường trực đã tích cực, hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định về GGHB của Bộ Công an; kiện toàn Ban Chỉ đạo; Tổ giúp việc triển khai Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc; chủ động tuyển trọn, đào tạo nguồn cán bộ sẵn sàng tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc. Đến nay, Bộ Công an đã cử 05 Tổ Công tác với 16 sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại các Phái bộ Nam Sudan (UNMISS) và Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei); 01 sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát, Cục hoạt động hòa bình Liên hợp quốc, trụ sở New York (Hoa Kỳ) theo hình thức cá nhân; Thành lập đơn vị Cảnh sát GGHB số 1 Việt Nam (VNFPU1) nhằm tham gia các nhiệm vụ GGHB của Liên hợp quốc (đơn vị gồm 4 đội chiến đấu: Tuần tra, đặc nhiệm; Trạm kiểm soát, bảo vệ mục tiêu; An ninh trật tự, giải tán đám đông; Bảo vệ yếu nhân, bảo vệ hàng đặc biệt, với 190 sĩ quan công an đang tham gia huấn luyện), hiện nay đơn vị VNFPU1 đã được nâng lên cấp độ 2 trong Hệ thống sẵn sàng năng lực GGHB của Liên hợp quốc.
Lực lượng công an tham gia GGHB Liên hợp quốc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng tại các Phái bộ Liên hợp quốc, như: bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ sơ tán dân thường, bảo vệ nhân quyền (nhất là trẻ em và phụ nữ) và tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo... Sự chuẩn bị bài bản, chuyên sâu từ ngoại ngữ, pháp luật quốc tế đến kỹ năng nghiệp vụ giúp các sĩ quan công an Việt Nam thích nghi nhanh chóng với môi trường công tác đa văn hóa, khắc nghiệt, triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ y tế, giáo dục, phát triển cộng đồng. Mỗi sĩ quan công an Việt Nam đã thể hiện vai trò nòng cốt trong hoạt động ngoại giao an ninh, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại đa phương, là cầu nối văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với cộng đồng và năng lực chuyên môn vượt trội, sẵn sàng vượt qua gian nan để hoàn thành sứ mệnh cao cả. Qua đó, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam ngày càng được lan tỏa – không chỉ là người giữ gìn an ninh mà còn là người bạn thân thiết của nhân dân bản địa, đồng thời, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một quốc gia yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã được chính quyền sở tại, Liên hợp quốc và người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2025 đánh dấu thời điểm quan trọng đối với hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Bộ Công an trong việc củng cố, nâng cao vị thế hoạt động của Văn phòng thường trực; mở rộng quy mô, hình thức, địa bàn tham gia hoạt động, đặc biệt là việc tổ chức, triển khai Đơn vị Cảnh sát GGHB số 1; tham mưu đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế hóa và đảm bảo các điều kiện hoạt động; tăng cường công tác tuyển chọn, đào tao, huấn luyện, xây dựng lực lượng. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo lực lượng đang làm nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ GGHB; nâng cao hoạt động quốc tế trong lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc và công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan là nền tảng vững chắc để triển khai Đề án tổng thể về Việt Nam tham gia GGHB Liên hợp quốc một cách hiệu quả, bài bản và bền vững. Qua đó, tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, chủ động đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển toàn cầu.
Lực lượng GGHB Liên hợp quốc của Bộ Công an Việt Nam chính là biểu tượng cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần nhân đạo của dân tộc trong thời đại hội nhập. Những chiến sĩ mang sắc phục Công an nhân dân không chỉ gìn giữ hòa bình, mà còn gìn giữ niềm tin vào một thế giới công bằng, nhân ái và ổn định. Sự đóng góp tích cực của lực lượng công an tham gia GGHB Liên hợp quốc chính là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế của Việt Nam – một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng chung tay xây dựng một thế giới hòa hợp, công bằng và phát triển bền vững.
N.T