09 Nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị Quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên...

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang có một số khó khăn, thách thức cần được quan tâm, giải quyết. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 19-NQ/TW nêu rõ mục tiêu và tầm nhìn. Về mục tiêu tổng quát, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Tầm nhìn đến năm 2045 là nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:
1. Cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. "Đây là điểm mới của Nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Nghị quyết đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân".
2. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp. Trong đó, cần cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính...
3. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, Nghị quyết đặt ra 3 nhiệm vụ, giải pháp lớn. Trong đó, cần tập trung xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp…
4. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá. Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới với các yêu cầu cao hơn, toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân…
5. Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Tăng đầu tư ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020. Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
6. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao; hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ…
7. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Nghị quyết đặt ra các yêu cầu cần thực hiện như: Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh. Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn; bảo đảm an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn nước; khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường….
8. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giữ ổn định các thị trường truyền thốn, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thu hút các nguồn vớn, tài trợ từ nước ngoài; mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển gia công nghệ tiến tiến…
9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn. Tăng cường vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp; phát huy quyền làm chủ người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Với những thành công to lớn cùng bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết sau 15 năm thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, chắc chắn nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, người dân, kể cả nông dân và cư dân nông thôn đều có mức thu nhập cao.

An Tây - Tổng hợp

Related

Chính trị 6850588061945437150

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item