Trung thu nhớ Bác Hồ kính yêu

Trung thu lại đến! Tết Trung thu còn được gọi là Tết Trăng, Tết hoàn nguyên, Tết tuổi thơ, Tết của những gì trong sáng, cao sâu.. Nói đến Tế...

Trung thu lại đến!
Tết Trung thu còn được gọi là Tết Trăng, Tết hoàn nguyên, Tết tuổi thơ, Tết của những gì trong sáng, cao sâu.. Nói đến Tết Trung thu ai ai cũng nghĩ ngay đến những gì trong sáng, hồn nhiên, tươi trẻ…
Muôn đời nay, Trăng thu vẫn là một vầng trăng tròn, trong sáng; đẹp dịu dàng, thân thương; biểu tượng cho làng quê Việt Nam yên lành, cũng là biểu tượng của sự nên thơ. Trăng, “ khuôn trăng” là cái đẹp tươi, trong sáng, hồn hậu của người con gái:“khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”( Truyện Kiều).Và, Trăng còn chia sẻ mọi cảnh ngộ của con người:“Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” ( Truyện Kiều)…
Trăng đẹp với mọi người, thân thiết với mọi người, nhưng đẹp đẽ và thân thiết nhất là đối với tuổi thơ. Vì theo phong tục của người Việt Nam, Trung thu là ngày Tết dành riêng cho thiếu nhi. Đó là một trong những biểu hiện của tính nhân văn trong văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngoài vầng trăng thiên nhiên nói trên, thiếu nhi Việt Nam từ ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đến nay còn được rọi sáng bởi vầng trăng vằng vặc tình yêu thương từ trái tim vĩ đại của Bác Hồ kính yêu. Bao giờ Bác Hồ cũng dành cho trẻ em, không chỉ trẻ em Việt Nam mà còn trẻ em của cả thế giới, sự trân trọng, tình cảm sâu sắc và mối quan tâm đặc biệt:“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…/ Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”( Bài thơ Trẻ con, đăng Báo Việt Nam độc lập ra ngày 21-9-1941). Trung thu năm 1945, trên tờ báo Cứu Quốc, ra ngày 17-9 đăng bài Tết Trung thu với nền độc lập của Bác Hồ, Bác viết: “Cùng các trẻ em yêu quý, Hôm nay là Tết Trung thu….Các em vui hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là một bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”.


Năm ngày sau, ngày 22-9, Bác lại viết thư: “Các em, đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em…Trước khi các em đi phá cỗ vui vẻ, chúng ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu: Trẻ em Việt Nam sung sướng. Việt Nam độc lập muôn năm”. Ngày 24-10-1946, sau khi đi Pháp về, trong thư gửi các cháu thiếu nhi, Bác khuyên các cháu:“Phải siêng học. Phải giữ sạch sẽ. Phải giữ kỷ luật. Phải làm theo đời sống mới. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em”.Ngày 21-11-1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ phát biểu: “Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”. Năm 1950, Bác viết thư gửi cho các thiếu nhi toàn quốc: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đành đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và đoàn thể cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng…Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”.
Trung thu năm 1951, Bác Hồ có viết bài thơ gửi các cháu: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”. Tết Trung thu năm 1952, Bác viết: “Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoản/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để giữ gìn hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh!”. Ngày 14-5-1961, trong thư gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong, Bác mong thiếu nhi thực hiện tốt mấy điều sau: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Hoc tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đặc biệt đối với thiếu nhi miền Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ và Bác Tôn đã gửi thư bày tỏ tình cảm và khẳng định: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Năm 1969, ba tháng trước khi Người đi xa, Bác căn dặn về việc nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ…”. Và xúc động biết bao, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên khẳng định một lần nữa: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Và bằng tấm lòng của mình, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Và Bác cũng không quên “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Tết Trung thu năm nay, kỷ niệm  50  năm Ngày Bác đã đi xa, chúng ta luôn ghi nhớ sự chăm sóc, tình yêu thương bao la của Bác Hồ kính yêu đối với trẻ em. Tấm lòng của Bác mãi mãi tỏa sáng trong mỗi cuộc đời. Nhớ Bác, yêu Bác, làm theo lời Bác dạy để lòng ta trong sáng hơn trong đạo làm người, trong tinh thần trách nhiệm, công tác đối với sự nghiệp cách mạng hôm nay. Chúng ta, trong đó có thiếu niên nhi đồng xin hứa với Bác sẽ tiếp tục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để trở thành: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” để xã hội ngày càng một tốt đẹp hơn.
TN


Related

Văn hóa 7520897672335550783

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item