Một số điểm mới trong Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự
Luật Thi hành án Dân sự (THADS) năm 2008 định nghĩa người phải thi hành án là “cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản...

https://datvanguoilongan.blogspot.com/2025/05/mot-so-iem-moi-trong-du-thao-luat-thi.html
Luật Thi hành án Dân sự (THADS) năm 2008 định nghĩa người phải thi hành án là “cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”. Đến Dự thảo, cách hiểu về người phải thi hành án đã được sửa đổi thành: “là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ; người có tài sản bảo đảm trong phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm trong bản án, quyết định được thi hành”. Dự thảo đã bổ sung thêm một chủ thể phải thi hành án là người có tài sản bảo đảm trong phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm. Thực tiễn một ví dụ cho thấy, bên A cần tiền nhưng không có tài sản để bảo đảm nên đã nhờ một bên thứ ba đứng ra dùng tài sản của họ để bảo đảm cho việc tiếp cận một khoản vay từ bên B. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, vì nhiều lý do dẫn đến thua lỗ, giữa hai bên xảy ra tranh chấp, bên A không còn đủ tài chính để trả nợ, lúc này, bên thứ ba sẽ thay A và phải dùng tài sản bảo đảm trước đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho A. Bên thứ ba lúc này trở thành người phải thi hành án theo như Dự thảo Luật THADS. Việc bổ sung chủ thể này là phù hợp, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị vi phạm, vừa gia tăng mức độ chịu trách nhiệm của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Bên cạnh đó, quy định này cũng thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, khoản 2 Điều 295 có quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm như sau: “Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025 đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng trong quy định về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi bản án, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về quyền của người phải thi hành án: Đối với quy định về quyền của người phải THADS thì so với Luật THADS 2008, Dự thảo đã có sự sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi quyền.
Thứ nhất, bổ sung quyền lựa chọn, thay đổi tổ chức thi hành án: Dự thảo Luật THADS cho phép đương sự lựa chọn, thay đổi tổ chức thi hành án thay vì thẩm quyền này thuộc về Tòa án, do Tòa án quyết định chuyển giao khi đã có bản án, quyết định. Ở đây, cả người được thi hành án và người phải thi hành án đều có quyền được lựa chọn, thay đổi tổ chức thi hành án. Đây là một quy định mới đã mở rộng phạm vi hưởng quyền của chủ thể.
Thứ hai, nội dung thỏa thuận về việc THADS đã có sự sửa đổi: Luật THADS 2008 quy định người phải THADS được quyền thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với các vấn đề về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án. Đến Dự thảo, quy định này đã được sửa đổi theo hướng người phải thi hành án được quyền thỏa thuận về “việc thi hành án”, tức không có sự giới hạn về nội dung được thỏa thuận, chỉ cần vấn đề đó liên quan đến việc thi hành án thì sẽ được quyền thỏa thuận. Đây là một quy định thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên tham gia trong quan hệ dân sự, quan hệ tố tụng dân sự.
Thứ ba, mở rộng nội dung công việc được ủy quyền của người phải THADS: Luật THADS 2008 quy định người phải thi hành án được quyền ủy quyền cho người khác để “yêu cầu thi hành án”. Đến Dự thảo, nội dung ủy quyền đã được mở rộng, cụ thể, người được ủy quyền được quyền “thực hiện quyền, nghĩa vụ” của người phải thi hành án, tức người được ủy quyền sẽ có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án. Quy định này là phù hợp với nguyên tắc của Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (Điều 135) và người đại diện có quyền xác lập. Ngoài nội dung ủy quyền là thực hiện yêu cầu thi hành án thì đến Dự thảo, phạm vi ủy quyền đã được mở rộng, người phải thi hành án có quyền, nghĩa vụ gì thì người được ủy quyền cũng có quyền, nghĩa vụ đó. Sửa đổi này vừa thể hiện sự phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự nói chung và pháp luật THADS nói riêng trong đảm bảo quyền của đương sự, vừa tạo điều kiện cho người phải thi hành án khi không thể tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách trực tiếp nên phải thông qua người nhận ủy quyền. Vì cuối cùng, mong muốn của người được thi hành án chính là các phán quyết của Tòa án sẽ được thực thi trên thực tế, việc người phải thi hành án thực hiện quyền, nghĩa vụ hay người nhận ủy quyền của người phải thi hành án thực hiện không còn là vấn đề quan trọng, vấn đề nằm ở chỗ kết quả của quá trình thi hành án của người phải thi hành án có nhanh chóng và hiệu quả hay không.
Thứ tư, bổ sung nội dung mới về quyền liên quan đến dữ liệu cá nhân của người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án được “bảo mật mã định danh cá nhân đã cung cấp”. Quyền này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng được quan tâm. Xuất phát từ việc đảm bảo quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân, mã định danh cá nhân theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân), nên việc đặt ra cơ chế bảo vệ mã định danh của người phải thi hành án là điều mang tính tất yếu. Dự thảo đã ghi nhận quyền “được bảo mật mã định danh cá nhân đã cung cấp” cho thấy sự tương thích với quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như nâng cao trách nhiệm, sự tôn trọng về quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân của người phải THADS.
Thứ năm, bổ sung đối tượng mà người phải thi hành án được quyền yêu cầu thay đổi trong trường hợp có căn cứ đối tượng không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ: Luật THADS 2008 quy định chỉ được yêu cầu thay đổi chấp hành viên, đến Dự thảo đã có sự bổ sung thêm thừa phát lại. Bổ sung này là hệ quả của việc hoàn thiện quy định về người tổ chức thi hành án. Khoản 9 Điều 4 Dự thảo quy định người tổ chức thi hành án bao gồm chấp hành viên và thừa phát lại. Hiện tại, Luật THADS năm 2008 không quy định chủ thể tổ chức thi hành án là thừa phát lại mà phải dẫn chiếu sang văn bản quy phạm pháp luật khác. Điều 51 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại quy định: “Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây…”.
Về nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự: So với quy định về nghĩa vụ của người phải THADS trong Luật THADS 2008 thì Dự thảo đã có những quy định mới mang tính mở rộng phạm vi nghĩa vụ và gia tăng trách nhiệm của người phải THADS, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật: Dự thảo luật quy định người phải THADS phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu có các hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến cơ quan thi hành án và người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án; tẩu tán, hủy hoại tài sản; cản trở, chống đối việc tổ chức thi hành án và các hành vi bị cấm khác theo quy định (Điều 8, Điều 55); trường hợp được giao bảo quản tài sản thì phải cam kết sẽ hợp tác, thực hiện đúng yêu cầu của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án (Điều 71, Điều 139); bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án như: ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức kinh tế phải thi hành án (Điều 87, Điều 88); bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo các Điều từ 146 đến 149) về cưỡng chế buộc thực hiện hoặc không được thực hiện hành vi. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung cơ chế phù hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án (Điều 77) theo hướng rõ và tạo thuận lợi khi thực hiện, có cơ sở để cơ quan thi hành án xử lý hồ sơ.
Thứ hai, nghĩa vụ cung cấp thông tin có liên quan đến quá trình THADS của người phải THADS. Dự thảo đã bổ sung hai nghĩa vụ hoàn toàn mới liên quan đến việc cung cấp thông tin để phục vụ cho quá trình THADS, cụ thể: (i) Cung cấp mã định danh cá nhân cho cơ quan, tổ chức thi hành án và nhận các thông báo về thi hành án qua ứng dụng định danh quốc gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (ii) Cung cấp đầy đủ số tài khoản đã mở tại các ngân hàng. Quy định này xuất phát từ Điều khoản về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 20 Dự thảo) như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu điện tử, cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn theo yêu cầu của người tổ chức thi hành án; người được thi hành án theo quy định pháp luật”. Người thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan THADS và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo thực thi bản án, quyết định của Tòa án, góp phần bảo vệ quyền lợi các bên và tăng cường pháp chế. Các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án không chỉ nâng cao trách nhiệm mà còn tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào quá trình thi hành án, hướng tới một hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng và hiệu quả.
N.T