Biển Đông và mưu đồ của Trung Quốc

Những hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8, tàu thăm dò đị...


Những hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8, tàu thăm dò địa chất) của Trung Quốc một lần nữa cho thấy mưu đồ “độc chiếm Biển Đông” và trở thành “cường quốc biển” trong tương lai gần của quốc gia này. Hành vi trên không những vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông mà còn cho thấy cách hành xử bất chấp luật pháp, thể hiện rõ tham vọng to lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.

                              "Đường lưỡi bò" phi pháp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền

Nói về mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông có lẽ đã có rất nhiều bài viết, bài phân tích, tuy nhiên những vấn đề được Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Nguyễn Trường Giang chỉ ra mới đây có lẽ giúp người ta có cái nhìn toàn diện hơn về mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở vùng biển giàu tiềm năng này.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Biển Đông được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc:

Thứ nhất, lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới.

Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400 tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở Châu Á về loại tài nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang dần trở nên cạn kiệt.

Thứ hai, Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc.

Thứ ba, Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tếTrung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.

Về an ninh quốc phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. BiểnĐông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.

Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến ra thế giới bên ngoài.

Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là 1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự hoạt động của các loại tàu ngầm.

Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển.Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé. Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn.

Chúng ta có lẽ cũng đã biết rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ của biển, quốc gia nào bá chủ được biển trong thế kỷ này sẽ gần như sẽ bá chủ được thế giới. Có lẽ bởi vậy, mà Trung Quốc đã và đang toan tính những bước đi để thực hiện giấc mộng bá chủ biển và bá chủ thế giới trong thế kỷ này.

Tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã đề ra mục tiêu là phấn đấu đến năm 2050 Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở “cải cách, mở cửa” và “trỗi dậy hòa bình” (sau thời gian “dấu mình chờ thời”). Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cách đây rất lâu. Ngay từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dòm ngóvà tranh chấp Biển Đông, bước đầu là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thế kỷhình thành yêu sách trên toàn bộ Biển Đông với các mốc chủ yếu sau: năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ yêu sách "lưỡi bò" (chiếm khoảng 80% diện tích BiểnĐông nhưng chỉ đến tháng 5/2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này) đồng thời ra chiếm nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình của quần đảo Trường Sa; năm 1956 Trung Quốc ra đóng giữ phần phía Đông của Hoàng Sa,Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974 chiếm một phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa; năm 1995 đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía Nam quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, coi quần đảo Hoàng Sa và vùng biển kế cận là thuộc chủ quyền lãnh thổ đương nhiên và không thể tranh cãi của Trung Quốc; toàn bộ quần đảo Trường Sa (và vùng biển kế cận) nhưng thừa nhận có tranh chấp, chủ trương “chủ quyền Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra "Chiến lược khai thác biển" với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển. Vềkhai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương "khai thác biển xa trước, biển gần sau,biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau", "ngoại giaođi trước, hải quân đi sau", "văn công, vũ vệ"; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủvà hạn chế Mỹ, Nhật. Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng ra BiểnĐông, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự vàcác nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.

Để thực hiện chiến lược biển của mình, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ráo riết triển khai nhiều biện pháp đối nội và đối ngoại, trên bàn đàm phán và trên thựcđịa để khẳng định chủ quyền của mình. Trung quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” vào tháng 5/2009 bằng cách đính kèm một bản đồ vẽ đường yêu sách này kèm theo công hàm gửi Liên Hợp quốc phản đối Báo cáo của Việt Nam và Báo cáo chung Việt Nam- Malaysia về ranh giới thềm lục địa được vượt quá200 hải lý tính từ đường cơ sở, theo đó đòi hỏi chủ quyền 2 quần đảo gọi là “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa) và “vùng đặc quyền kinh tế" và "thềm lục địa" riêng của 2 quần đảo này. Trung Quốc vận dụng quy chế quốc gia quầnđảo cho Hoàng Sa, tuyên bố sẽ vạch tiếp cho Trường Sa, để từ đó đòi 2 quần đảo này cũng có vùng "đặc quyền kinh tế" và "thềm lục địa" riêng, tạo bộ mặt pháp lýhợp thức hơn cho yêu sách chủ quyền.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, giáo giục ý thức“quốc gia đại dương”, khẳng định các yêu sách chủ quyền biển. Báo chí Trung Quốc đăng tải một cách có hệ thống các bài viết kích động dư luận, vu cáo các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, chiếm đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc.

Thứ 3, ráo riết tiến hành công tác xây dựng Pháp luật về biển để làm cơ sở pháp lý triển khai chiến lược biển.

Thứ 4, ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân).

Thứ 5, củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ 6, thực hiện chính sách vừa lôi kéo vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia; hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật; tập trung sức mạnh mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật "ngoại giao cấp cao", "đại cục quan hệ", "trả đũa mạnh" để hạn chế đấu tranh của Việt Nam.

Thứ 7, thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương “Gác tranh chấp, cùng khai thác” (…).

Có thể thấy, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là bá chủ Biển Đông nhằm thực hiện giấc mơ Trung Hoa đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới. Bởi vậy, từ nay cho đến khi nào thực hiện được giấc mộng này, Trung Quốc vẫn sẽ luôn tìm mọi cách để gây hấn, bắt nạt và đưa ra những tuyên bố phi lý về chủ quyền của mình đối với vùng biển này. Do đó, hơn lúc nào hết chúng ta phải nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và vạch mặt, ngăn chặn kịp thời những âm mưu thâm độc của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của mình đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Related

Chính trị 7957219335576272919

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tìm kiếm

XEM NHIỀU

LONG AN

LONG AN

LƯU TRỮ

THỐNG KÊ

Lượt truy cập:
  • BÀI VIẾT:
  • BÌNH LUẬN:
  • ĐANG XEM:
  • Flag Counter

LIÊN HỆ

Tên

Email *

Thông báo *

FANPAGE

DỊCH

item